Chân dung các “Ông trùm” trong “đại án” đánh bạc qua Internet

Từ tháng 9/2017 CA tỉnh Phú Thọ đã điều tra đường dây “đánh bạc, sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền” xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh thành. Từ đó đến nay Công an tỉnh Phú Thọ đã khởi tố, bắt hơn 70 người. Trong số này có ông Nguyễn Thanh Hóa (cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm Công nghệ cao, Bộ Công an); Phan Sào Nam (39 tuổi, cựu Chủ tịch hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty cổ phần VTC truyền thông trực tuyến – VTC online); Nguyễn Văn Dương (43 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao – CNC).
Ông Nam và Dương bị cáo buộc là chủ mưu, điều hành đường dây đánh bạc trực tuyến qua mạng bằng hình thức game bài. Người chơi mua thẻ cào điện thoại và thẻ Vcard do CNC phát hành nạp vào game rồi mua tiền ảo để đánh bạc thông qua dịch vụ chấp nhận thẻ từ cổng thanh toán của nhiều công ty. Doanh thu từ hình thức này do công ty CNC kiểm soát. Hoặc sử dụng tiền của ngân hàng nạp vào tài khoản ATM thông qua cổng thanh toán trực tuyến để mua tiền ảo và thẻ game.
Ước tính đường dây có hơn 20 triệu tài khoản tham gia với 8 triệu người chơi thường xuyên. Khi phá vụ án, cơ quan điều tra đã thu trên 1.000 tỷ đồng. Chưa có con số chính thức song số ngoại tệ đánh bạc chuyển ra nước ngoài ước tính chừng 3,6 triệu USD. Chỉ riêng Phan Sào Nam khi đầu thú đã nộp 1.000 tỉ đồng.
Phan Sào Nam
Không chỉ được biết đến là sáng lập viên VTC Intecom, sáng lập viên VTC Online, cha đẻ của cuộc thi Miss Teen đình đám, chuyên gia ý tưởng của mạng Việt Nam go.vn… Phan Sào Nam còn là người điều hành đường dây đánh bạc nghìn tỷ vừa bị khởi tố, bắt giam.
Tốt nghiệp Thạc sỹ quản trị kinh doanh công nghệ của Trường đại học Thông tin liên lạc Hàn Quốc, Phan Sào Nam (sinh năm 1979) trở về nước đúng thời điểm khởi đầu cho một giai đoạn bùng nổ của thị trường Internet Việt Nam.
<Phan Sào Nam – nguyên Chủ tịch VTC Online.
Ban đầu, Nam đầu quân cho Công ty Phần mềm và Truyền thông VASC. Năm 2006, khi lãnh đạo VTC quyết định đầu tư vào nội dung số, nhóm ở VASC đã cùng chuyển về và Nam được bổ nhiệm làm Phó giám đốc VTC Intecom. Sau 2 năm, năm 2008, VTC Online chính thức ra đời Nam giữ chân Giám đốc rồi Chủ tịch HĐQT.
Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC là đại diện cổ đông Nhà nước tại VTC Online với số cổ phần nắm giữ chiếm 42,4% vốn điều lệ. Gần đây (2/1/2018) VTC đã thông báo tiến hành đấu giá toàn bộ 1,02 triệu cổ phiếu – tương đương 44,75% số cổ phần đang lưu hành của VTC Online. Giá khởi điểm chào bán là 107.388 đồng/cổ phiếu, tương ứng định giá VTC Online ở mức 245 tỷ đồng (10,8 triệu USD).
Dưới sự điều hành Phan Sào Nam, VTC Online từng là một trong ba nhà phát hành game online lớn nhất Việt Nam. Tháng 6/2010, Quỹ đầu tư IDG Ventures Việt Nam của doanh nhân Nguyễn Bảo Hoàng đã trở thành cổ đông chiến lược đầu tiên của VTC Online và đang nắm giữ 9,2% vốn điều lệ công ty. Năm 2012, quỹ đầu tư DWS Vietnam Fund – nay là Vietnam Phoenix Fund, đã rót 10 triệu USD để sở hữu 19,5% cổ phần của VTC Online.
Tiềm lực tài chính của VTC Online đã tăng lên đáng kể khi lần lượt nhận được vốn đầu tư của IDG và DWS. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của VTC Online bắt đầu sa sút từ năm 2014 với khoản lỗ ròng 102 tỷ đồng trong năm này. Nguyên nhân thua lỗ lớn của năm 2014 chủ yếu xoay quanh đến các khoản lỗ của hoạt động kinh doanh game.
Công ty có lãi trở lại trong năm 2015-2016, nhưng cũng chỉ rất khiêm tốn, đạt lần lượt là 8 tỷ và 10 tỷ đồng. Trong đó, hoạt động kinh doanh chính năm 2016 vẫn lỗ, công ty có lãi chủ yếu là nhờ các khoản thu từ phạt vi phạm hợp đồng, xóa sổ khoản phải trả không phải thanh toán.
HĐQT của VTC Online thời Phan Sào Nam đã từng đặt mục tiêu: đến năm 2015, VTC Online phải đủ điều kiện để thực hiện chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) và niêm yết tại 1 trong 5 sàn giao dịch chứng khoán gồm NASDAQ (Hoa kỳ), HKEC (Hồng Kông), SGX (Singapore), Kosdaq (Hàn Quốc) và sàn HOSE (Việt Nam). Nhưng đến nay, mục tiêu ấy chưa thành hiện thực.
Ngoài VTC Online, Phan Sào Nam còn là Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV truyền thông đa phương tiện VTC HCM, công ty được thành lập từ tháng 9/ 2011 tại thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay, VTC HCM đã ngừng hoạt động.
Nguyễn Văn Dương
<Nguyễn Văn Dương (bên trái)
Nguyễn Văn Dương (SN: 1975) được biết đến là một doanh nhân, CTHĐQT Công ty cổ phần đầu tư UDIC. Bằng chứng là tính đến cuối năm 2016, ông Dương sở hữu đến 99,29% cổ phần của UDIC. Tại thời điểm đó, Công ty cổ phần đầu tư UDIC có vốn điều lệ 528.373.020.000 đồng, nhưng số cổ phần mà ông Dương nắm giữ – tính theo mệnh giá – là 524.625.220.000 đồng.
Năm 2011, Nguyễn Văn Dương thành lập và làm Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao (CNC). Công ty này có vốn điều lệ 20 tỷ đồng. Cổ đông ban đầu của CNC gồm: Nguyễn Văn Dương (góp 18 tỷ đồng ) và Vũ Kim Hà (góp 2 tỷ đồng). Tháng 3/2016, Vũ Kim Hà thoái vốn khỏi CNC thay vào đó là Lưu Thị Hồng.
Theo Giấy đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cấp cho Công ty TNHH Đầu tư Phát triển An ninh Công nghệ cao, ngày 30/9/2011, có mã số doanh nghiệp 0105539536, địa chỉ trụ chính đặt tại số 10 Hồ Giám – Phường Quốc Tử Giám – Quận Đống đa – Hà Nội. Địa chỉ này thuộc sở hữu của Bộ CA. Tuy nhiên sau khi Nguyễn Văn Dương bị bắt,vào cuối năm ngoái, người ta đã hạ biển Công ty CNC xuống. Từ đó đến nay thấy cửa đóng im ỉm…”
Tháng 4/2017, CNC được Ngân hàng Nhà nước trao giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho sản phẩm hệ thống thanh toán PAY365. Theo đó, công ty CNC được cung cấp 3 nhóm dịch vụ gồm dịch vụ cổng thanh toán điện tử, dịch vụ ví điện tử, dịch vụ thu hộ, chi hộ trong thời hạn 10 năm.
Nguyễn Thanh Hóa
Nguyễn Thanh Hóa sinh năm 1958. Trước khi bị bắt cư trú tại phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội.
Nguyễn Thanh Hóa từng công tác nhiều năm tại cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C46, Bộ Công an). Đến năm 2008 được bổ nhiệm làm Phó Cục trưởng Cục cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng (C48 Bộ Công an). Đến năm 2009, khi Bộ Công an thành lập C50, Nguyễn Thanh Hóa được điều động sang giữ cương vị cục trưởng.
Trong thời gian công tác tại C50, ông Hóa cùng các cộng sự của mình đã phối hợp với các lực lượng khác phá hàng chục chuyên án lớn như chuyên án 312T, đấu tranh với mạng lưới sử dụng mạng Internet để lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Công ty cổ phần đào tạo trực tuyến (Công ty MB24).
Chuyên án 812E, đấu tranh với nhóm người sử dụng mạng Internet để chiếm đoạt tài sản dưới hình thức kinh doanh đa cấp tại Công ty Tâm Mặt Trời.
Chuyên án 512T, đấu tranh với ổ nhóm đối tượng chuyên tổ chức đánh bạc xuyên quốc gia qua mạng Internet gồm các đối tượng người Việt Nam và Trung Quốc thuê đường truyền Internet tốc độ cao, thiết lập mạng VPN, lập các trạm thu phát tín hiệu Wi-Fi trái phép tại khu vực biên giới ở Quảng Ninh, Tây Ninh để kết nối với các sòng bạc ở Campuchia tổ chức đánh bạc trực tuyến…
Ngoài ra, khi còn là đương nhiệm Cục trưởng C50, ông Hóa đã chỉ đạo thuộc cấp của mình phối hợp chặt chẽ với nhiều đơn vị tham gia triệt phá các đường dây đánh bạc qua mạng với số tiền lên đến nghìn tỷ.
Trong thời gian diễn ra VCK Euro 2012, C50 đã ngăn chặn thành công gần 500 trang web cá độ trên mạng Internet, ngăn chặn được hàng chục nghìn tỷ đồng từ Việt Nam chuyển ra các tổ chức cá độ quốc tế.
Năm 2013, sau hơn một năm theo dõi, C50 và C45 (Cục cảnh sát hình sự) đã bắt tạm giam 7 nghi can sinh sống tại TP.HCM và Hà Nội để làm rõ hành vi liên quan đường dây đánh bạc hàng nghìn tỷ đồng do Cù Huy Giáp ở quận Hai Bà Trưng là người nắm vai trò điều hành trang web cá độ M88.com tại Việt Nam.
Ở mảng ngăn ngừa đấu tranh hoạt động đánh bạc, cá độ trên Internet, C50 đã ngăn chặn khoảng 1.000 trang web chỉ trong 6 tháng. Qua đó, chặn hàng tỷ USD chảy ra nước ngoài thông qua các chân rết hỗ trợ trong nước.
Đọc qua những thông tin nhân thân nói trên hẳn nhiều người đặt câu hỏi: Những người này thiếu gì tiền mà còn lao vào đây để thân bại, danh liệt nhỉ. Ai có câu trả lời không?
Nam Nguyễn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *