Sự ngụy biện của một cựu chính khách VNCH

Dưới đây là bài viết được giới thiệu của TS Nguyễn Tiến Hưng, nguyên Tổng Trưởng Kế Hoạch, cố vấn TT Nguyễn Văn Thiệu của chính quyền SG cũ. Ông Hưng cũng tác giả sách “Khi đồng minh tháo chạy” …
Chân dung TS Nguyễn Tiến Hưng, nguyên Tổng Trưởng Kế Hoạch, cố vấn TT Nguyễn Văn Thiệu (Nguồn: FB). 
Bài viết có tên: “Hoa Kỳ và Việt Nam: Lòng Tin hay Quyền Lợi Chung?”.
Nửa đoạn đầu xem như vị Tiến sỹ chế độ cũ này nói đúng: “Bàn tới lịch sử của cuộc chiến Việt Nam và kinh nghiệm bang giao với Mỹ, cần nhớ lại và mở một dấu ngoặc về “bài học” cũ của VNCH.
 
Viết về hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson cập cảng Tiên Sa ở Đà Nẵng, Báo Lao Động online thuật lại việc ông Timothy Liston – Phó Tổng Lãnh sự Mỹ tại Sàigòn lên thăm tầu và bế một cậu bé, ông cho em ngồi lên chân rồi cùng vỗ tay với những người bạn nhỏ. Họ cùng hoà ca bài “Trái đất này là của chúng mình”. Câu hát “màu da nào cũng quý cũng yêu” như chính thông điệp của cuộc gặp gỡ.
 
Tờ báo dẫn lời ông Liston về nỗ lực xây dựng niềm tin giữa hai nước khi ông nói: “Không chỉ có con tàu, chúng tôi đến để xây dựng lòng tin”
 
Nghe câu này, chắc nhiều người có thể phản hồi và đặt câu hỏi “nhưng liệu Việt Nam có tin được Mỹ hay không?” Đây cũng là câu hỏi của chính TT Nguyễn Văn Thiệu đặt ra cho Mỹ vào tháng Ba, 1975 (xem Khi Đồng Minh Tháo Chạy, Chương 9).
 
Như chúng tôi đã có dịp bình luận: câu trả lời là “tin được nếu” niềm tin ấy được xây dựng trên căn bản chắc chắn và bền vững là QUYỀN LỢI CHUNG của cả hai nước.
 
Tôi thật ấn tượng về câu nói của ông Henry John Palmerston, cựu Thủ tướng Anh nói tại Quốc Hội nước này ngày 1 tháng 3 năm 1848: “Nước Anh không có đồng minh vĩnh cửu, và chúng ta cũng chẳng có kẻ thù vĩnh viễn. Quyền lợi của chúng ta mới là vĩnh viễn và vĩnh cửu.”
Tuy nhiên, Mõ thấy bất bình từ đoạn: “Trong những thập niên 50, 60: vì quyền lợi của Mỹ đòi hỏi phải ngăn chận TQ khỏi tràn xuống Biển Đông nên Mỹ nhảy vào Việt Nam.
 
Đến năm 1972 Nixon-Kissinger hòa hoãn được với TQ vì Kissinger nói với Mao và Chu khi bay qua Bắc Kinh là Mỹ sẵn sàng ký thỏa hiệp để ra đi khỏi Việt Nam và nếu sau khi chúng tôi đã ra đi vài năm mà Cộng sản tiến tới chiếm trọn Miền Nam Việt Nam thì Mỹ cũng không trở lại nữa. Do đó Trung Quốc mới sẵn sàng biến thành bạn để còn được hưởng những ân huệ của Mỹ. Khi TQ thành bạn rồi thì hành động ra vẻ như không còn đe dọa an ninh của Mỹ nữa.
 
Trong bối cảnh ấy, Mỹ không còn lý do gì để đổ xương máu tiếp tục ở Miền Nam VN để be bờ mối đe dọa từ Trung Quốc, cho nên đã bỏ Miền Nam không thương tiếc.
 
Một trong những bài học rút ra từ cuộc chiến là như thế này: Mỹ nhảy vào Việt Nam không phải là để “bảo vệ tự do của nhân dân Miền Nam” như Washington luôn luôn tuyên bố (và nhân dân Miền Nam luôn luôn tin tưởng) mà là để bảo vệ QUYỀN LỢI của chính Mỹ.
 
Cho nên sau khi ông Nixon bắt tay được với ông Mao thì quyền lợi của Mỹ không còn đòi hỏi phải có một “tiền đồn” để chống TQ ở Biển Đông nữa: mở cửa Bắc Kinh đóng cửa Sài Gòn đơn giản là như vậy. Hai ông Nixon-Kissinger đã hùng hồn biện hộ cho TQ khi Kissinger soạn bài cho TT Nixon viết cho Quốc Hội Hoa Kỳ rằng: “Trung quốc và Hoa kỳ chia sẻ nhiều quyền lợi song hành và có thể cùng nhau hành động để làm cho đời sống của nhân dân hai nước thêm phong phú.”
 
Nhưng lịch sử đã diễn ra ngược lại: sau 40 năm ru ngủ được Mỹ, hứa hẹn sẽ tuân hành các quy tắc của luật kinh tế thị trường để Mỹ chấp thuận cho TQ vào WTO (Tổ Chức Thương Mại Toàn Cầu) giúp sản xuất và bán thật nhiều hàng qua Mỹ và thị trường thế giới, TQ đã làm giầu quá nhanh, trở thành cường quốc kinh tế số 2.
 
Vì TQ cạnh tranh bất chính với Mỹ, không tuân thủ các quy luật thị trường cho nên bây giờ nhiều người Mỹ tiếc rẻ đã cho TQ vào WTO, giúp nước này mạnh đủ để ra mặt chống Mỹ!
 
Nixon-Kissinger đã sai lầm mà cho rằng quyền lợi của Mỹ đi đôi với quyền lợi của TQ vì nước này đã thành bạn đồng phường của Mỹ (Kissinger quá siêu trong việc thuyết phục Nixon về điểm này).
 
Bây giờ Mỹ rất hối tiếc về sự sai lầm ấy. Và Kissinger phải chịu trách nhiệm rất lớn cho sự sai lầm này cùng những thiệt hại to lớn của nước Mỹ về địa chính trị và chiến lược toàn cầu.
 
Mỹ bừng tỉnh nhưng đã quá muộn! Dù sao “better late than never:” (thà rằng muộn còn hơn là không bao giờ), Mỹ phải gấp rút xoay trục về Biển Đông.
 
Và khi muốn quay về Biển Đông thì Mỹ rất cần Việt Nam vì đây là “địa điểm chiến lược quan trọng nhất” như Bộ Ngoại Giao đã phân tích ngay từ năm 1950 (xem ‘Khi Đồng Minh Nhảy Vào,’ Chương 3).
 
Một điều chắc chắn: đó là từ nay, sẽ không bao giờ TQ bỏ tham vọng đẩy Mỹ ra khỏi Biển Đông, rồi ra khỏi Western Pacific, rồi khỏi các đại dương khác. Cho nên vì quyền lợi an ninh lãnh thổ của chính mình, Mỹ sẽ không bao giờ phạm phải cái lầm lỗi thứ hai là tháo chạy khỏi Biển Đông nữa.
 
Tại sao TQ sẽ không bao giờ ngừng đẩy Mỹ ra khỏi Biển Đông để rút về tới bờ California? Lý do là vì TQ đã đặt ra một mục tiêu chiến lược bí mật và quan trọng nhất: đó là tới năm 2049 khi kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân TQ, nước này sẽ thay thế Mỹ để trở thành cường quốc số một trên thế giới.
 
Đây là tiết lộ động trời của tác giả nổi tiếng về TQ, ông Michael Pillsbury trong cuốn sách The Hundred Year Marathon (Cuộc chạy đua 100 năm – xuất bản năm 2015) một cuốn sách đã làm thức tỉnh các nhà chiến lược Mỹ.
 
Pillsbury là một chuyên gia về Trung Quốc đã từng làm việc với tất cả các tổng thống Hoa Kỳ kể từ thời Nixon, và như ông viết, “tôi đã có thể có nhiều thông tin của các cơ sở tình báo và quân sự của Trung Quốc hơn bất kỳ người phương Tây nào khác.”
 
Ông viết: “Từ hàng thập kỷ nay, chính phủ Hoa Kỳ đã quá hào phóng, trao thật nhiều thông tin, công nghệ, bí quyết quân sự, thông tin tình báo và những lời cố vấn về các khía cạnh chuyên môn cho người Trung Quốc. Thật vậy, rất nhiều điều đã được cung cấp và cung cấp quá lâu. . . không thể có kế toán đầy đủ được về việc này! Và những gì chúng ta đã không đưa cho người Trung Quốc, thì họ đã ăn cắp. “
 
Tất cả chỉ để phục vụ cho tham vọng trở thành siêu cường số một để thay thế cho Mỹ khi TQ kỷ niệm 100 năm ngày ông Mao Trạch Đông tiến vào Bắc Kinh.
 
Chỉ còn 31 năm nữa là tới năm 2049 cho nên từ nay Mỹ sẽ không bao giờ ngừng việc tập trung vào chiến lược chận lại tham vọng của TQ. Vì vậy mới có kế hoạch điều động tới 60% của hải lực Mỹ về Thái Bình Dương vào năm 2020.
 
Tất cả 14 Tổng thống Mỹ kể từ Harry Truman tới Donald Trump đều muốn duy trì vai trò lãnh đạo số một của nước Mỹ trên thế giới này – một vai trò phát xuất từ sau Thế Chiến II, nhưng 13 ông trước chỉ nói úp úp mở mở.
 
Tới thời ông Trump – một con người bộc trực – thì ông thẳng thừng đưa ra chính sách “America First” – không chỉ có nghĩa là dành mọi ưu tiên kinh tế, thương mại, nhập cư để phục vụ quyền lợi vật chất của người Mỹ mà nó còn có một ý nghĩa chiến lược sâu xa về vai trò lãnh đạo của Mỹ. Lập trường này làm cho tất cả các đồng minh đều nhìn vào Trump với con mắt nghi ngờ.
 
Nhưng Washington đồn rằng: sau khi hạ nhiệt được khủng hhoảng Bắc Hàn, chính phủ Trump sẽ tập trung vào chiến lược xoay trục về Biển Đông, vì đây là nơi ông Trump hay bất cứ tổng thống Mỹ nào từ nay trở đi cũng bắt buộc phải tranh đấu để giữ được vai trò “America First.”
 
Kết luận: it nhất là trong Thề Kỷ 21 quyền lợi của Mỹ ở Biển Đông đi song hành và trực tiếp với quyền lợi của Việt Nam.
 
Việt Nam là địa điểm chiến lược quan trọng nhất ở Biển Đông, nhưng đồng thời, cái vị thế ấy luôn đặt nước này vào cái thế gọng kìm giữa các cường quốc.
 
Hơn nữa Việt Nam lại nằm sát cạnh Trung Quốc nên áp lực của TQ rất là mạnh mẽ. Vì vậy có lẽ Việt Nam không còn một con đường nào khác ngoài chiến lược cân bằng (“đu dây”) giữa hai cường quốc để sống còn.
 
Tuy nhiên vì áp lực của TQ càng ngày càng gia tăng một cách nguy hiểm, cho nên chính cái chiến lược cân bằng ấy lại bắt buộc Việt Nam phải gần Mỹ hơn để lấy lại và duy trì thế cân bằng.
 
Vì vậy, có khả năng cao là quan hệ Việt – Mỹ sẽ sớm tiến tới “đối tác chiến lược toàn diện” – trở thành quan hệ thứ tư sau ba quan hệ Việt – Nga, Việt – Trung và Việt -Ấn.
 
Trên bình diện vĩ mô, sự sắp xếp để Việt Nam cân bằng giữa hai khối: một bên là Nga-Trung và một bên là Mỹ-Ấn xem ra có vẻ hữu lý và chắc chắn sẽ được dư luận quốc tế ủng hộ.
 
“Toàn diện” bao gồm cả an ninh cả kinh tế. Về an ninh quốc phòng, khi có hàng không mẫu hạm Mỹ ra vào Đà Nẵng và chiến hạm, tầu ngầm Mỹ ra vào Cam Ranh, tất nhiên TQ sẽ phải cân nhắc cho thật kỹ khi muốn gây hấn về quân sự với Việt Nam.
 
Về kinh tế, thị trường Mỹ – hiện đã là thị trường để Việt Nam xuất cảng nhiều nhất – sẽ mở rộng ra thêm nữa cho Việt Nam với những lợi ích về đầu tư, kỹ thuật, và thuế nhập cảng (như thép, nhôm – miễn là không phải xuất xứ từ TQ). Từ Thế Chiến II, chưa có nước nào trên thế giới này giầu mạnh lên được mà không nhờ thị trường Mỹ.
 
Mặt khác, qua cuộc chiến biên giới Việt-Trung năm 1979 (và việc Trung – Mỹ ôm nhau bắt đầu năm 1972), Việt Nam cũng đã thấy rõ ràng rằng: Trung Quốc chẳng có bạn vĩnh cửu, và cũng chẳng có thù vĩnh viễn. Quyền lợi của TQ mới là vĩnh viễn và vĩnh cửu.”
Sẽ không quá khó để nhận ra rằng, vị cựu chính khách chế độ Sài Gòn đang thuyết phục Việt Nam về “lòng Tin hay Quyền Lợi Chung” với chính người Mỹ. Cho thấy, việc Mỹ quay lại Việt Nam sau hơn 40 năm không phải để xâm lược Việt Nam mà để giúp đỡ Việt Nam thoát khỏi gọng kìm của người Trung Quốc, trong bối cảnh quốc gia láng giềng này đang cố biến Việt Nam trở thành “sân sau” của Trung Quốc trong chiến lược trở thành siêu cường của thế giới.
Và rằng, có thể trong quá khứ, khi đặt lòng tin vào người Mỹ thì tổng thống VNCH khi đó là Nguyễn Văn Thiệu đã sai lầm khi ông này không thấy được việc Trung – Mỹ bắt tay với nhau. Sau đó, chính người Mỹ cũng đã nhận ra sai lầm này và bắt đầu chuyển trục sang Châu Á, trong đó có Đông Nam Á để kiềm tỏa, hạn chế sự lớn mạnh mọi mặt của Trung Quốc trong tương quan là một thế lực đe dọa vị trí siêu cường của người Mỹ.
Những lập luận đó xem ra cũng có cơ sở, và câu chuyện về hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson cập cảng Tiên Sa ở Đà Nẵng mới đây cũng như câu chuyện được Báo Lao Động online thuật lại(việc ông Timothy Liston – Phó Tổng Lãnh sự Mỹ tại Sàigòn lên thăm tầu và bế một cậu bé, ông cho em ngồi lên chân rồi cùng vỗ tay với những người bạn nhỏ. Họ cùng hoà ca bài “Trái đất này là của chúng mình”. Câu hát “màu da nào cũng quý cũng yêu” như chính thông điệp của cuộc gặp gỡ.

 

 
Tờ báo dẫn lời ông Liston về nỗ lực xây dựng niềm tin giữa hai nước khi ông nói: “Không chỉ có con tàu, chúng tôi đến để xây dựng lòng tin”) xem ra cũng thuyết phục. Nhưng xem ra vị tiến sỹ ra đi với cuộc tháo chạy đã quên mất một thứ, tương lai của một dân tộc không phải là điều chỉ suy diễn bằng những cứ liệu của quá khứ. Điều đó có thể đúng với logic thường thấy nhưng đừng quên rằng, đúng như nguyên tắc lợi ích luôn là tối thượng và là sinh tồn của bất cứ quốc gia nào. Và ai có thể ngờ được khi đến Việt Nam, người Mỹ không thay đổi như đã làm trong quá khứ.
Nói tóm lại, làm thân với một nước lớn để đối trọng với một cường quốc khác luôn là hạ sách. Đó chỉ là tư tưởng của kẻ tự ti và không tin vào nội lực của đất nước.
Mõ Làng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *