DẸP SANG MỘT BÊN

Nói cho vuông: Ý kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ‘Xây dựng chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng, ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm”, đã gửi đi một thông điệp hết sức mạnh mẽ, dứt khoát về cuộc đấu tranh chống tham nhũng đang vào hồi quyết liệt.
Người đứng đầu Đảng đã gửi đi thông điệp này sau khi công cuộc đấu tranh chống tham nhũng đã tấn công vào những thành trì mà lâu nay vẫn được cho là “cấm kị”, “nhạy cảm”. Hàng loạt quan chức cao cấp, cùng với những tên tội phạm cộm cán, đầu mối của những nhóm lợi ích đã bị lội ra ánh sáng. Gần đây nhất, việc đưa cựu Uy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng ra xét xử trong liên tiếp hai vụ án và vụ bắt thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, trung tướng Phan Văn Vĩnh, những người bảo kê cho vụ đánh bạc nghìn tỷ trên mạng đã chứng tỏ cam kết “không có vùng cấm trong đấu tranh chống tham nhũng” đã được thực thi.
Ai cũng biết đấu tranh chống tham nhũng là khó khăn, phức tạp, thế nhưng thực tế vừa qua đã chứng tỏ nếu thực sự quyết liệt và khôn khéo thì không có trở ngại nào là không vượt qua. Hơn nữa, chống tham nhũng đã và đang là công việc giành được sự ủng hộ tuyệt đối của toàn dân. “Dân ủng hộ hoàn toàn thì ta thành công hoàn toàn”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói như vậy.
Thế nhưng, phát biểu của Tổng Bí thư đã cho thấy:
Thứ nhất, lực cản của cuộc đấu tranh chống tham nhũng hiện nay, không chỉ đến từ bọn tham nhũng, mà còn bao gồm trong đó sự lừng khừng, e ngại, nhụt chí của một số cán bộ có trách nhiệm. Sự lừng khừng, e ngại, nhụt chí là đang khá phổ biến trong cán bộ lãnh đạo, nhất là những người đứng đầu. Tâm lý “chống tham nhũng ở đâu cũng được, nhưng đừng đụng đến đơn vị tôi, địa phương tôi” đang khá phổ biến hiện nay. Đó là nguyên nhân sâu xa của tình trạng “trên nóng, dưới nguội”, trung ương thì quyết liệt mà các địa phương vẫn bình chân như vại.
Thứ hai, lần đầu tiên người đứng đầu của Đảng đã gửi đi một thông điệp hết sức mạnh mẽ và dứt khoát: “ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm”. Đây là một sự tuyên chiến với thái độ do dự, e ngại của những người đứng đầu các đơn vị địa phương sợ “rút dây động rừng”, ngại đụng chạm đến các mối quan hệ cật ruột của mình, thậm chí lo sợ đến nguy cơ “động ghế” của chính mình. Chính vì vậy, họ thường vin cớ “giữ ổn định chính trị xã hội” để giữ cho các vụ tham nhũng ở địa phương không bị bung bét; tìm cách “xử lý nội bộ” những cán bộ hư hỏng, thậm chí tạo ra sự “cân bằng động” bằng cách thỏa hiệp với nhau để phân chia lợi ích giữa các nhóm…
Martin Lutherking – nhà hoạt động nhân quyền Mĩ gốc Phi, giải Nobel Hòa Bình năm 1964, từng nói: “Trong thế giới này, chúng ta không chỉ xót xa trước lời nói và hành động của kẻ xấu mà còn cả vì sự im lặng đến đáng sợ của người tốt.” Những người lãnh đạo, những vị đứng đầu, Đảng và dân cần các vị là “người tốt”, tất nhiên, nhưng nếu các vị cứ “im lặng đến đáng sợ” trước cái xấu, cái ác, trước tham nhũng, thì đã đến lúc, dù tốt các vị cũng cần phải “dẹp sang một bên”!
Nguồn: Molang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *