ĐẤU TRANH DÂN CHỦ KIỂU … CHÍ PHÈO!

Rượu say bét nhè với khuôn mặt chằng chịt vết sẹo; sẵn sàng nằm lăn ra ăn vạ cốt chỉ để lấy chút tiền thỏa mãn cơn thèm rượu của bản thân. Những hành động này có lẽ chỉ dành cho nhân vật nổi tiếng Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của tác giả Nam Cao. Tuy nhiên, không chỉ một mà rất nhiều Chí Phèo thời hiện đại đang tái hiện hình ảnh không mấy tốt đẹp này trong thời gian qua.
Điểm tên một vài vụ việc theo kiểu “rạch mặt, ăn vạ” trong vòng một tuần lễ qua như sau:
Vụ thứ nhất của anh chàng 3 que Huỳnh Quốc Huy khi tên này tìm đủ mọi cách thách thức, gây ức chế đối với anh lính gác cổng doanh trại quân đội; chủ động tạo cớ gây xô xát, động tay chân để livestream ăn vạ, vu khống.
Vụ thứ hai là video clip tự quay do Fber Nguyễn Uyên Thùy đăng tải có nội dung vu cáo Công an Đăc Lăk hành dân, vi hiến, cố tình chặn xe đưa người đi cấp cứu.
Vụ thứ ba do Nguyễn Quang A và nhóm trí thức “rởm” cố tình vu vạ lực lượng công an dàn dựng vụ tai nạn nhằm ngăn cản chúng thực hiện Lễ kỷ niệm 01 năm sự kiện Đồng Tâm. Kèm theo đó là hành vi kích động của nhóm Đồng Thuận nhằm gây sức ép không cho lực lượng pháp luật thực thi nhiệm vụ khám nghiệm hiện trường và kết luận vụ việc.

Chân dung những Chí Phèo thời hiện đại (từ trái qua): Huỳnh Quốc Huy, Nguyễn Uyên Thùy, Nguyễn Quang A

Dàn cảnh ăn vạ để vu khống, hạ uy tín lực lượng thực thi pháp luật
Cả ba vụ việc kể trên không xảy ra ở cùng thời gian, địa điểm nhưng về bản chất thì hoàn toàn giống nhau trong nội dung, diễn biến của vụ việc. Trong đó, những kẻ chủ mưu đã dự tính sẵn âm mưu nhằm vào nhóm các nạn nhân cố định. Đó là cán bộ, lực lượng trong chính quyền nhà nước. Phần lớn trong số đó là lực lượng Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, lực lượng thực thi pháp luật.
Mục đích mà những kẻ như Huỳnh Quốc Huy, Nguyễn Uyên Thùy, Nguyễn Quang A mong muốn chính là hạ uy tín những lực lượng này bởi chúng biết rằng, đây là những lực lượng nòng cốt trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật. Hoạt động thực thi pháp luật của những lực lượng này có ảnh hưởng trực tiếp, ngăn chặn hành động của chúng. Do đó, việc trở thành nạn nhân của trò rạch mặt, ăn vạ là điều dễ hiểu.
Bên cạnh đó, đây được cho là phương thức nhằm khuếch trương thanh thế, kêu gọi tài trợ từ đám quan thầy hải ngoại. Tiêu biểu như trường hợp Nguyễn Quang A, đằng sau những hành vi hô hào, kích động từ vụ việc Đồng Tâm là hàng trăm triệu được rót vào hầu bao của hắn và đồng bọn nhằm phục vụ cho hoạt động đấu tranh dân chủ của đám trí thức rởm này.
Kỹ năng ăn vạ được nâng lên tầm cao mới
Để có một vở kịch ăn vạ thành công, trước hết cần có những tình huống va chạm giữa đối tượng chủ mưu và nạn nhân của chúng. Trong những vụ việc xảy ra gần đây, có thể kể ra một vài tình huống tiêu biểu mà các đối tượng chủ mưu thường dàn dựng như: bị hành hạ, đánh đập khi đến trụ sở công an làm việc; bị nhũng nhiễu, gây phiền hà trên đường đi làm việc, công tác; bị dàn cảnh “ngược” trong các vụ tai nạn dân sự mà đối tượng “bị” liên quan…
Tiếp theo, những Chí Phèo “mới” cần có những cái loa di động hay nói đúng hơn là những kẻ kích động, hô hào nhằm thu hút sự chú ý của dư luận. Vai trò của của những cái loa di động này một mặt gây sức ép với chính nạn nhân mà chúng hướng tới. Mặt khác, thu hút sự chú ý của dư luận để tiếp tục hướng sự chỉ trích về phía nạn nhân. Trong vụ việc mới nhất tại Đồng Tâm liên quan tới hội nhóm của Nguyễn Quang A, cha con Lê Đình Kình, Lê Đình Công và nhóm Đồng Thuận đã thể hiện rất rõ nét vai trò kích động, hô hào quần chúng nhân dân thiếu hiểu biết tham gia vụ ăn vạ này.
Một phần không thể thiếu để vở kịch ăn vạ thành công đó là đám đông hiếu kỳ, thiếu hiểu biết. Đây là nhân tố đóng vai trò quyết định thành, bại của vở kịch. Bởi lẽ, chỉ khi lôi kéo, dẫn dắt, hướng lái khiến cho dư luận dành cái nhìn không mấy thiện cảm về phía nạn nhân thì vở hài kịch của những tên Chí Phèo này mới được coi là thành công.
Quay trở lại nhân vật chính trong câu chuyện của Nam Cao, có thể thấy rằng Chí Phèo đã thực hiện theo đúng kịch bản đã phân tích ở trên. Tuy nhiên, có lẽ do ý đồ của tác giả Nam Cao khi xây dựng hình tượng nhân vật này nên đã để y một mình sắm vai từ đạo diễn kiêm diễn viên và kiêm luôn cả vai trò kẻ kích động, hô hào nữa.
Còn đối với những anh Chí thời hiện đại, chúng đã “nâng” nghệ thuật ăn vạ lên một tầm cao mới. Ở đó, không còn cảnh “một nách, ba vai” nữa, thay vào đó là cả một “ê-kíp” được phân chia vai trò, nhiệm vụ rõ ràng nhằm phục vụ cho ý đồ ăn vạ đã được vạch sẵn. Trong bài viết phân tích vụ việc dàn cảnh tại Đăk Lăk đăng tải trên trang báo danquyen.net, có thể thấy ngay khi cảnh sát giao thông dừng xe, nhóm người trên xe đã ngay lập tức bế “đứa bé” trên xe xuống đặt giữa đường và bắt đầu vu vạ Công an. Đáng chú ý, người phụ nữ trong đoàn với một sự chuẩn bị từ trước đã rút máy điện thoại ra quay phim trực tiếp đoạn vu vạ và truyền lên mạng. Đoạn vu vạ này kéo khá dài và dường như họ chẳng hề đếm xỉa đến chuyện “đứa bé cấp cứu” nằm giữa đường, không hề đếm xỉa đứa bé sống chết ra sao. Ngay cả khi Công an đồng ý cho họ đi, họ cũng không đi và tiếp tục vu vạ để quay phim.
Kết cục?
Ai cho tôi lương thiện? Câu nói nổi tiếng của Chí Phèo đã đi vào tiềm thức của bao nhiêu thế hệ. Nhưng đối với những kẻ như Huỳnh Quốc Huy, Nguyễn Uyên Thùy, Nguyễn Quang A thì có lẽ chúng không xứng đáng để phát ngôn ra câu nói đó. Bởi lẽ, khi dùng bài vở Chí Phèo để kiếm ăn thì tự chúng đã vứt đi danh dự, nhân phẩm hay nói đúng hơn là cái thiện trong con người chúng từ lâu rồi. Kết cục của Chí Phèo nguyên bản thì ai cũng rõ, còn cái kết của những anh Chí thời hiện đại này có lẽ sẽ không thoát khỏi những chế tài nghiêm khắc của pháp luật trong thời gian tới./.

Vương Long

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *