Kinh tế Pháp bị ảnh hưởng do biểu tình

– Cuối tuần qua, ngày 8/12, nước Pháp lại hứng chịu cuộc biểu tình lần thứ hai của những người “Áo vàng” làm rung chuyển cả thủ đô Paris và nhiều thành phố khác.

Đặc biệt, thủ đô Paris tiếp tục là khu vực hứng chịu hậu quả nặng nề từ các cuộc tuần hành biến thành bạo động khi những kẻ quá khích đốt xe cộ, các chướng ngại vật trên đường phố và đập phá các cửa sổ… Nhà chức trách thành phố cho biết thiệt hại do những người biểu tình gây ra  lớn hơn nhiều so với các cuộc biểu tình hôm 1/12.

Trước đó, khoảng 8.000 cảnh sát đã được triển khai ở Paris nhằm sẵn sàng ứng phó với tình trạng hỗn loạn, khi những người biểu tình quá khích đốt xe, cướp phá các cửa hàng trên Đại lộ Champs Elysees và đập phá Khải Hoàn Môn.

Bên cạnh đó, các lực lượng an ninh cũng đã huy động xe bọc thép, phong tỏa các đại lộ lớn ở Paris. An ninh không chỉ được thắt chặt tại Paris, khoảng 89.000 cảnh sát cũng đã được triển khai trên cả nước, tăng 24.000 người so với hồi tuần trước.

Theo thông báo của Bộ trưởng Nội vụ Christophe Castaner, cảnh sát đã bắt giữ và thẩm vấn 1.385 người trên cả nước, trong đó có 920 người tại Paris. Các cuộc đụng độ tại thủ đô đã làm 126 người bị thương và phải nhập viện.

Thủ tướng Edouard Philippe ngay lập tức đã có lời phát biểu trước công chúng. Theo ông, chính quyền vẫn duy trì sự cảnh giác và các lực lượng an ninh trật tự tại Paris và các địa phương khác.

Ông hoan nghênh lực lượng cảnh sát đã chuẩn bị và thực hiện tốt phương án vô hiệu hóa những kẻ côn đồ trà trộn trong hàng ngũ những người tham gia biểu tình.

Thủ tướng Philippe thay mặt chính phủ cảm ơn “tất cả những người đã kêu gọi giữ bình tĩnh trong tuần này,” trong đó có lãnh đạo các đảng phái chính trị và các tổ chức công đoàn. Ông nhấn mạnh rằng “đã đến thời điểm đối thoại, bắt đầu từ những cuộc tranh luận trong Hạ viện và Thượng viện, các cuộc gặp gỡ với các đại diện phong trào “Áo vàng” tại Phủ Thủ tướng. Ông khẳng định rằng sự đối thoại này sẽ được tiếp tục và “không một loại thuế nào có thể đe dọa đến sự đoàn kết dân tộc”.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cảnh báo, những vụ bạo loạn gắn với các cuộc biểu tình của phong trào “Áo vàng” trên toàn nước Pháp vừa qua là “một thảm họa” cho nền kinh tế quốc gia. Phát biểu với báo giới khi ông tới thị sát các cửa hiệu ở thủ đô Paris chịu nạn cướp bóc trong cuộc bạo loạn phản đối chính phủ 1 ngày trước đó, ông Le Maire khẳng định: “Đây là thảm họa cho thương mại, thảm họa cho nền kinh tế của chúng ta”.

Trước sự kiện này, Tổng thống Macron sẽ có phát biểu công khai đầu tiên với toàn thể người dân Pháp vào lúc 20 giờ ngày 10/12 theo giờ địa phương (khoảng 2 giờ ngày 11/12 giờ Hà Nội), sau 4 tuần diễn ra các cuộc biểu tình chống chính phủ trên khắp đất nước. Theo Bộ trưởng Lao động Pháp Muriel Penicaud, Tổng thống Macron, người hiện là mục tiêu chỉ trích của người biểu tình về các chính sách của ông được cho là có lợi cho người giàu, nhiều khả năng sẽ tuyên bố về những biện pháp “cụ thể và ngay lập tức” để đối phó với cuộc khủng hoảng.

Trong một diễn biến liên quan đáng chú ý là trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã viết rằng: “Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu không đủ tốt đối với Paris. Các cuộc biểu tình và bạo loạn trên khắp nước Pháp. Người dân không muốn chi trả những số tiền lớn… để có thể bảo vệ môi trường”.

Ngay lập tức, trong trả lời phỏng vấn kênh truyền hình LCI, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian lên tiếng cảnh báo rằng: “Chúng tôi không can thiệp vào nền chính trị Mỹ và chúng tôi mong muốn phía Mỹ cũng có hành động tương tự. Hãy để yên cho quốc gia chúng tôi tự xử lý (công việc của mình)”.

Tuyết Minh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *