In ấn bao lì xì in hình tiền Việt Nam: Có thể bị phạt tới 80 triệu đồng

Sắp tới dịp Tết nguyên đán, trên thị trường xuất hiện tràn lan nhiều mẫu bao lì xì có hình dáng y hệt tiền Việt Nam với các mệnh giá 500.000 đồng, 200.000 đồng…

Theo tìm hiểu, loại bao lì xì này được in bằng giấy C150gsm, bế, cán màng đầy đủ, màu sắc rõ nét, kích thước 7,3×16,5cm nên dễ dàng bỏ vừa các tờ tiền Việt Nam đang lưu hành, thiết kế hai mặt giống hệt tiền thật.

Theo luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật cho biết, hành vi sao chụp tiền Việt Nam với bất kỳ mục đích nào mà không có sự chấp thuận trước bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước thì đây là 1 trong những hành vị bị nghiêm cấm theo quy định tại khoản 3 điều 3, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 130/2003/QĐ-TTG ngày 30 tháng 06 năm 2003 về việc bảo vệ tiền Việt Nam.

Theo đó, việc các tổ chức, cá nhân in bao lì xì giống y tiền thật có thể xem là vi phạm quy định về bảo vệ tiền Việt Nam như đã nói trên, vì đã có hành vi “sao chụp, in ấn, sử dụng bố cục, một phần hoặc toàn bộ hình ảnh, chi tiết, hoa văn của tiền Việt Nam không đúng quy định của pháp luật”.

Trong một số điều tại Bộ luật hình sự của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam

  1. Tiền Việt Nam:

Tiền Việt Nam gồm tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành (Quy định tại Điều 2 Quyết định số 130/2003/QĐ-TTg).

  1. Tiền giả:

Tiền giả là những loại tiền được làm giả giống như tiền Việt Nam nhưng không phải do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức in, đúc, phát hành (Quy định tại Điều 2 Quyết định số 130/2003/QĐ-TTg).

  1. Những hành vi bị nghiêm cấm:

– Làm tiền giả; vận chuyển, tàng trữ, lưu hành, mua, bán tiền giả;

– Hủy hoại đồng tiền trái pháp luật;

– Sao, chụp tiền Việt Nam với bất kỳ mục đích nào không có sự chấp nhận trước bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

– Từ chối nhận, lưu hành đồng tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành.

(Quy định tại Điều 23 Luật Ngân hàng Nhà nước số 46/2010/QH12 và Điều 3 Quyết định số 130/2003/QĐ-TTg)

  1. Các hình phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ tiền Việt Nam và phòng chống tiền giả:

5.1. Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả:

  1. Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
  2. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.
  3. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 50.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
  4. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.
  5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

(Quy định tại Điều 207 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13)

5.2. Tội che giấu tội phạm làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả:

  1. Người nào không hứa hẹn trước, nhưng sau khi biết tội phạm được thực hiện đã che giấu người phạm tội, dấu vết, tang vật của tội phạm thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm.
  2. Phạm tội trong trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc phát hiện tội phạm hoặc có những hành vi khác bao che người phạm tội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

(Quy định tại Điều 389 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13)

5.3. Tội không tố giác tội phạm làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả:

  1. Người nào biết rõ tội phạm làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả đang được chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện mà không tố giác thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
  2. Người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt.

(Quy định tại Điều 390 Bộ Luật hình sự số 100/2015/QH13)

Hành vi này có thể sẽ bị xử phạt với mức phạt từ 40.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng và áp dụng hình phạt bổ sung…

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết pháp luật quy định việc sao, chụp tiền Việt Nam với bất kỳ hình thức, mục đích nào không có sự chấp nhận của Ngân hàng Nhà nước là hành vi bị nghiêm cấm. “Người dân không nên mua bán hay sử dụng bao lì xí này vì có thể bị pháp luật đánh giá tiếp tay cho các đối tượng in ấn giả hình ảnh đồng tiền Việt Nam”- vị này khuyến cáo.

Phan Quỳnh Trang – Tổng hợp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *