Chủ tịch xã mất chức vì “ăn chặn” tiền hỗ trợ của người dân

Giả mạo chữ ký, hợp thức hóa chứng từ để rút tiền hỗ trợ của người dân, một Chủ tịch UBND xã ở huyện miền núi Quế Phong (Nghệ An) đã bị cách chức, đồng thời phải hoàn trả lại số tiền sai phạm.

UBND xã Quế Sơn, nơi ông Châu công tác.

Ông Lê Văn Giáp – Chủ tịch UBND huyện Quế Phong (Nghệ An) cho biết, UBND huyện này vừa tiến hành họp, bãi nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND xã Quế Sơn đối với ông Nguyễn Hồng Châu.

“UBND huyện Quế Phong đã mở cuộc họp bất thường, để bãi nhiệm chức vụ ông Nguyễn Hồng Châu – Chủ tịch UBND xã Quế Sơn vì những vi phạm như lập khống chứng từ, giả mạo chữ ký để ‘ăn chặn’ gần 70 triệu đồng tiền hỗ trợ lúa bị bệnh của dân”, ông Giáp nói.
Bên cạnh đó, Huyện ủy Quế Phong cũng quyết định kỷ luật với hình thức “cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng” đối với ông Nguyễn Hồng Châu.
Liên quan đến những sai phạm trên, ông Nguyễn Tiến Dũng – Bí thư Đảng ủy xã Quế Sơn cũng bị kỷ luật với hình thức cảnh cáo, đồng thời bị điều chuyển qua làm Chủ tịch Ủy ban mặt trận Tổ quốc xã Quế Sơn.
Huyện ủy Quế Phong cũng kỷ luật với hình thức khiển trách, đối với Phó Bí thư thường trực và kế toán xã này. Ngoài ra, tập thể Ban thường vụ Đảng ủy xã Quế Sơn cũng nhận hình thức kỷ luật tương tự.
Liên quan đến vụ việc, vào năm 2009, trên địa bàn huyện Quế Phong xuất hiện bệnh lùn sọc đen trên lúa. Tại xã Quế Sơn, hơn 60 ha diện tích lúa và ngô trồng trên đất lúa bị bệnh.
Huyện Quế Phong sau đó quyết định hỗ trợ người dân xã này gần 160 triệu đồng, cho số diện tích lúa và ngô bị bệnh. Thời điểm đó, ông Nguyễn Tiến Dũng đang là Chủ tịch UBND xã Quế Sơn, còn ông Nguyễn Hồng Châu là Phó Chủ tịch UBND xã.
Sau khi được phân công đi nhận tiền hỗ trợ cho người dân từ Trạm bảo vệ thực vật huyện Quế Phong, ông Châu đã lập 2 bộ chứng từ. Trong đó, một bộ giả mạo chữ ký, hợp thức hóa chứng từ để rút tiền và quyết toán với số tiền gần 160 triệu đồng. Một bộ chứng từ khác, ông Châu cho người dân ký thực nhận, nhưng chưa đầy 90 triệu đồng.

Trong bộ chứng từ giả này, xã đã tự ý giảm diện tích lúa và ngô của người dân bị tiêu hủy; đồng thời giảm định mức hỗ trợ lúa từ 400 đồng/m2 xuống còn 200 đồng/m2. Số tiền gần 70 triệu đồng còn lại đã “bị thất lạc” từ đó đến nay.
Vào cuộc kiểm tra, huyện Quế Phong đã yêu cầu ông Nguyễn Hồng Châu phải bồi hoàn lại toàn bộ số tiền này để chi trả cho người dân đã bị ông Châu chiếm đoạt.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *