Vụ cán bộ thanh tra Bộ Xây dựng “vòi tiền” và công điện khẩn của Thủ tướng

Mới đây, tiếp xúc cử tri Hải Phòng, nhắc tới vụ việc liên quan cán bộ thanh tra của Bộ Xây dựng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết sẽ tiếp tục ban hành văn bản yêu cầu tất cả cán bộ thanh tra, điều tra, kiểm tra, kiểm toán phải thực hiện nghiêm quy định, công khai hóa, có sự giám sát của nhân dân, áp dụng công nghệ để chống hành vi lợi dụng quyền nhầm nhũng nhiễu, tiêu cực. Phát biểu trên của người đứng đầu Chính phủ không chỉ làm hài lòng cử tri Hải Phòng, mà còn đang nhận được sự quan tâm của cử tri cả nước.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng lại đưa ra lời chỉ đạo như trên, khi mà vừa qua sự việc thanh tra Bộ Xây dựng tại Vĩnh Phúc bị Công an lập biên bản về hành vi vòi tiền, đòi chung chi hàng chục tỷ đồng. Chỉ một huyện Vĩnh Tường nhỏ bé, không giàu có, công trình xây dựng cũng chẳng quá đồ sộ, mà vòi vĩnh đòi hàng chục tỷ đồng thì thử hỏi mỗi lần thanh tra tới thăm doanh nghiệp cứ phải kính gửi đậm đà như vậy thì họ lấy tiền ở đâu để chung chi? Há chẳng phải doanh nghiệp cấu véo vào vật liệu, cắt chỗ này một ít, chỗ kia một tẹo, lúc đó chất lượng sản phẩm, công trình sẽ như thế nào? Người chịu thiệt chẳng phải vẫn là người dân hay sao?

Chuyện cán bộ “vòi” tiền chẳng phải bây giờ mới xảy ra, trước đây đã có nhiều vụ việc tương tự như vậy: ngày 26/04 Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam 4 tháng đối với 5 cán bộ thanh tra về tội nhận hối lộ; trước đó chắc hẳn mọi người còn nhớ vụ án ba bị can là vụ phó thuộc Thanh tra Chính phủ là: Lương Cao Khải, Dương Văn Lực và Bùi Xuân Bảy bị truy tố về các tội lợi dụng chức vụ quyền hạn, đưa hối lộ và nhận hối lộ. Liên quan đến vụ án này, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Quách Lê Thanh và phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Quốc Trượng đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý trong việc lãnh đạo, chỉ đạo đoàn thanh tra, để lãnh đạo đoàn thanh tra lợi dụng nhiệm vụ được giao nhằm vụ lợi cá nhân, vi phạm pháp luật… Vậy nên sự việc ở Vĩnh Phúc chỉ là giọt nước tràn ly để minh định rõ hơn về nhận định của một số ĐBQH thắc mắc trên nghị trường rằng “có hay không tình trạng tham nhũng ngay trong chính những cơ quan phòng chống tham nhũng” mà thôi.

Nói đi thì cũng nói lại, thanh tra “ngã ngựa” một phần cũng do cơ quan, doanh nghiệp tạo điều kiện và “đất” cho các cán bộ, công chức có nơi “dụng võ”. Các chủ doanh nghiệp, tổ chức làm sai, lách luật, làm liều nên đến khi bị thanh tra thì lòi “đuôi chuột”, không tự giác sửa sai mà lại mua chuộc, dụ dỗ thanh tra bằng những phong bì hẫu hĩnh. Thỏa thuận hai bên đều có lợi, thế là cái “kim” luôn được bao bọc bởi lợi ích và được ngủ yên trong bóng tối, chỉ có ngân sách của nhà nước thất thu mà thôi. Bởi thế mới có chuyện Vinashin khiến toàn dân choáng váng với cũ đỗ vỡ khủng thua lỗ, thất thoát 86.700 tỷ đồng; chưa kịp định thần thì đến “cú tát” Vinalines, tổng công ty về ngành hàng hải đã nhấn chìm của nhà nước gần 3.500 tỷ đồng; rồi Tập đoàn Hóa chất lỗ 1.348 tỷ đồng… Những “quả đấm thép” trên hằng năm đều được thanh, kiểm tra với những nhận xét “tốt đẹp” trước khi bị vỡ lỡ chuyện thất thoát, tham nhũng hàng chục tỷ đồng cả đấy. Sai phạm kinh tế gây thất thoát tiền tỷ như thế, vậy thì của công nào chịu cho nổi, ngân sách cho dù có là “nồi cơm Thạch Sanh” cũng khô cạn, nền kinh tế sẽ về đâu? Người dân trông chờ vào công tác thanh, kiểm tra để hạn chế những rủi ro, tiêu cực. Vậy nên, việc cán bộ lợi dụng thanh tra để kiếm chác, vụ lợi, vòi vĩnh tiền của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chẳng khác gì một sự bội tín, phản bội vào lòng tin của người dân.

                                                                     
                                Tiếp xúc cử tri Hải Phòng, Thủ tướng nhắc tới vụ việc liên quan cán bộ thanh tra của Bộ Xây dựng vòi tiền, đòi chung chi

Quyết chặn đứng, thanh lọc những “con sâu” để công tác thanh tra thật sự nghiêm minh và đúng như hai chữ “thanh bảo kiếm”, xem xét để hát hiện những trường hợp sai phạm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không chỉ quán triệt luôn rằng “Nếu để xảy ra tiêu cực, tham nhũng tại đơn vị, cơ quan mình thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước”. Mà người đứng đầu Chính phủ còn ban hành ngày công điện khẩn “về việc tăng cường các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ” với yêu cầu kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức, viên chức tha hóa, biến chất, vi phạm pháp luật; định kỳ luân chuyển những vị trí nhạy cảm, nhất là trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra…

Lời nhắc nhở của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi tiếp xúc cử tri vừa qua “Xử lý nghiêm cán bộ lợi dụng quyền lực để nhũng nhiễu” cũng chính là chỉ đạo phòng, chống tiêu cực, tham nhũng từ gốc. Vừa trừng trị, vừa phòng ngừa. Nếu chỉ trừng phạt mà không phòng ngừa, nếu chỉ cắt ngọn mà không đào gốc thì cây vẫn trưởng thành, tham nhũng sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn.

Minh Thư (Báo Ngon Cờ)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *