Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người đặt nền móng và vun đắp tình đoàn kết hữu nghị Việt – Trung

Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam, người bạn thân thiết, thủy chung của nhân dân Trung Quốc – Người đã đặt nền móng, vun đắp, phát triển tình hữu nghị giữa hai Đảng, nhân dân hai nước Việt Nam – Trung Quốc. Mối quan hệ truyền thống hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc “vừa là đồng chí, vừa là anh em” do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Mao Trạch Đông và các thế hệ lãnh đạo cách mạng hai nước dày công xây dựng, là tài sản vô cùng quý báu, đòi hỏi hai Đảng, nhân dân hai nước phải luôn trân trọng, gìn giữ và phát triển.

Từ thực tiễn hoạt động cách mạng tại Trung Quốc trong những năm đầu thế kỷ XX, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy Trung Quốc và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng. Trung Quốc không chỉ là nước láng giềng “núi liền núi, sông liền sông” mà nhân dân hai nước đều phải chịu cảnh đô hộ, áp bức của chủ nghĩa thực dân, do đó có cùng mục tiêu, con đường và lý tưởng đấu tranh cách mạng. Người cho rằng: “Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng, quan hệ mật thiết với nhau đã bao thế kỷ. Lẽ tất nhiên, quan hệ giữa cách mạng Trung Quốc và cách mạng Việt Nam cũng đặc biệt gắn bó” [4, tr.148]. Vì cùng chung một mục đích cao cả, hai Đảng, nhân dân hai nước Việt Nam – Trung Quốc vừa đoàn kết chặt chẽ trên cơ sở chủ nghĩa Mác – Lênin và tinh thần quốc tế vô sản, vừa có cảm tình khăng khít thương yêu nhau như anh em một nhà. Từ nhận thức đó, Hồ Chí Minh đã ra sức tạo dựng những nền móng ban đầu và không ngừng vun đắp, phát triển mối quan hệ hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc.

Ngay từ những năm 1922, tại thủ đô Pari của nước Pháp, người thanh niên yêu nước Việt Nam Nguyễn Ái Quốc đã gặp gỡ và kết thân với những nhà cách mạng Trung Quốc như Chu Ân Lai, Lý Phú Xuân, Triệu Thế Viêm, Đặng Tiểu Bình… Họ đã cùng chung chí hướng giải phóng dân tộc, xây dựng một xã hội mới tốt đẹp cho nhân dân Việt Nam và Trung Quốc. Những nhà cách mạng trẻ tuổi hai nước đã gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau trên đường tranh đấu. Năm 1924, lần đầu tiên Người tới Trung Quốc với bí danh Lý Thụy. Người đã làm phiên dịch viên trong phái bộ cố vấn Liên Xô Borodin bên cạnh Chính phủ Tôn Trung Sơn tại Quảng Châu. Từ đó về sau, Hồ chủ tịch đã nhiền lần đến và lưu lại Trung Quốc, tiến hành đào tạo cán bộ, xây dựng tổ chức và lực lượng cho cách mạng Việt Nam… Cùng với các vị lãnh đạo tiền bối của cách mạng Trung Quốc, Hồ Chí Minh đã tạo nền móng ban đầu cho tình hữu nghị Việt – Trung, trên cơ sở kế thừa truyền thống hữu nghị lâu đời của hai dân tộc và tư tưởng đoàn kết quốc tế của Người.

Không chỉ giữ mối quan hệ mật thiết với các đồng chí lãnh đạo của Trung Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn tuyên truyền, kêu gọi nhân dân Việt Nam ủng hộ cách mạng Trung Quốc. Cuối năm 1938, Người tham gia công tác tại một chi bộ Đảng Cộng sản ở Quế Lâm, làm Phó Chủ nhiệm của tờ báo “Cứu vong Nhật báo”. Dưới danh nghĩa một nhà báo Trung Quốc, Người đã viết bài “Người Nhật Bản muốn khai hoá Trung Quốc như thế nào?”, tố cáo những tội ác dã man mà phát xít Nhật đã gây ra đối với nhân dân Trung Quốc và khẳng định đanh thép: “Bọn phát xít dã man tưởng rằng chúng có thể dùng khủng bố để làm bại hoại tinh thần của Chính phủ và nhân dân Trung Quốc. Nhưng chưa bao giờ nhân dân và quân đội Trung Quốc lại đoàn kết và kiên quyết như ngày nay để đánh tan giặc ngoại xâm! Những sự tàn bạo của bọn Nhật sẽ được đáp lại một cách đích đáng bằng chủ nghĩa anh hùng vô song của những người Trung Hoa đang chiến đấu cho nền độc lập và sinh mệnh của mình” [3,tr.125]. Bên cạnh đó, Hồ chủ tịch cũng tham gia dịch tài liệu nội bộ và “tuyên truyền đối ngoại”, viết bài về phong trào công, nông đang phát triển mạnh ở Trung Quốc. Trong bài viết “Ca dao Việt Nam và cuộc kháng chiến của Trung Quốc” đăng trên Cứu vong nhật báo (12/1940), Người nêu rõ: “Đại đa số nhân dân Việt Nam đều hết sức đồng tình với cuộc kháng chiến của Trung Quốc” [3, tr.217] và đưa ra một lời kêu gọi, một sự khẳng định, sau này trở thành phương châm mang tính nguyên tắc cho quan hệ Việt Trung: “Trung – Việt, khác nào môi với răng. Nhớ rằng môi hở thì răng buốt” [3, tr.218].

Hồ Chí Minh đã kề vai chiến đấu cùng giai cấp công nhân Trung Quốc. Khi công nhân Quảng Châu tổ chức bãi công chống lại chủ nghĩa thực dân, Người đã nhiệt tình ủng hộ, giúp đỡ phong trào đấu tranh của nhân dân Trung Quốc. Người đã chủ động đến các nơi công nhân đang tập trung để diễn thuyết, giảng giải bằng cả tiếng phổ thông và tiếng Quảng Đông nhằm cổ vũ và khích lệ những người công nhân kiên cường đấu tranh giành thắng lợi. Tháng 5/1940, Người quyết định cho rải truyền đơn dọc tuyến đường sắt từ Côn Minh đến biên giới Việt – Trung nhằm vạch trần tội ác của giặc Pháp, giặc Nhật và kêu gọi quần chúng ủng hộ nhân dân Trung Quốc chống Nhật. Người nhận thấy rằng, lúc này Việt Nam và Trung Quốc có cùng chung kẻ thù là phát xít Nhật. Vì vậy, nếu cách mạng Trung Quốc và cách mạng Việt Nam tạo dựng được mối quan hệ chặt chẽ, thì sức mạnh của mỗi dân tộc chống kẻ thù chung sẽ được tăng lên đáng kể.

Khi cách mạng hai nước Việt Nam và Trung Quốc thành công, tình cảm thân thiết giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị lãnh tụ Trung Quốc như Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai, Lưu Thiếu Kỳ… tiếp tục được củng cố. Đặc biệt là, sau năm 1954 miền Bắc Việt Nam được giải phóng, Hồ Chí Minh đã nhiều lần sang thăm, nghỉ dưỡng, tiếp xúc và tăng cường tình cảm gắn bó sâu đậm với Đảng Cộng sản và nhân dân Trung Quốc. 15 năm sống và làm việc tại Phủ chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều tình cảm của mình để đắp xây cho mối tình keo sơn ấy. Tình cảm đó được minh chứng bằng những việc làm cụ thể của Người. Trên cương vị cao nhất của Đảng và Nhà nước Việt Nam Bác đã đến thăm Trung Quốc hơn 30 lần. Tại nơi Người ở và làm việc, Bác đã tiếp hơn 100 đoàn khách Trung Quốc, gửi 50 bức điện thư thăm hỏi và có hơn 100 bài nói, bài viết về đất nước và con người Trung Quốc. Và cũng từ nơi này, Người đã ký gần 600 sắc lệnh ghi nhận những đóng góp của các đồng chí Trung Quốc đối với Việt Nam. Bên cạnh đó, Người còn luôn quan tâm tới nhân dân Trung Quốc. Mỗi khi chuẩn bị đón xuân mới, Hồ Chí Minh đều đích thân viết những tấm thiếp chúc mừng năm mới gửi tặng nhân dân Trung Quốc, thường xuyên mời các đại biểu nhân dân ở khu vực biên giới sang thăm, dự Lễ Quốc khánh của Việt Nam, đồng thời tổ chức gặp gỡ, đón tiếp cũng như nói chuyện rất nồng hậu và thân thiết. Đây chính là những bằng chứng và biểu hiện chân thực nhất về tình cảm, sự trân trọng của Hồ chủ tịch với lãnh đạo và nhân dân Trung Quốc; đặt nền tảng vững chắc cho tình đoàn kết, hữu nghị “quang vinh muôn đời” giữa Việt Nam – Trung Quốc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa nhưng Người đã để lại những di sản vô giá cho nhân dân Việt Nam, trong đó có tình cảm quốc tế trong sáng với thế giới nói chung và Trung Quốc nói riêng. Đó cũng là nền móng để trong thế kỷ XXI, nhân dân hai nước Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục xây đắp tình hữu nghị theo tinh thần “16 chữ” và “bốn tốt”. Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam trước sau như một luôn quý trọng và mong muốn cùng Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc củng cố tình hữu nghị truyền thống và xây dựng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc ngày càng phát triển, góp phần vì hòa bình, ổn định, phồn vinh ở khu vực và trên thế giới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Đặng Quang Huy (Chủ biên), Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb Chính trị Quốc gia, H, 2012.
Phan Ngọc Liên (Chủ biên), Tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về một số vấn đề quốc tế,Nxb Chính trị quốc gia, H, 1997.
Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 3, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2011.
Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 13, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2011.
Nguyễn Dy Niên (chủ biên), Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, Nxb CTQG, H, 2002.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *