Tạo bước đột phá trong xây dựng văn hóa, con người ở nước ta hiện nay

GIẢI QUYẾT MỐI QUAN HỆ GIỮA TRUYỀN THỐNG VÀ HIỆN ĐẠI

Trong quá trình đổi mới, đất nước ta đã có những đổi thay lớn, đặc biệt trên lĩnh vực đời sống vật chất. Quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã làm thay đổi cấu trúc xã hội. Nhiều làng xã đã trở thành phường, thị xã, thị trấn. Nhiều ngành nghề thủ công bị mai một. Một số đông thanh niên ở các vùng nông thôn rời quê đi làm việc ở các khu công nghiệp. Đời sống nông thôn trở nên vắng lặng. Các lễ hội truyền thống hoặc bị lãng quên, hoặc được tổ chức một cách sơ sài, ít thu hút người tham dự… Điều đáng quan tâm nhất là, nông thôn trước đây là nơi lưu giữ những ký ức của các thế hệ người Việt Nam, hiện đang chuyển biến theo xu hướng đô thị hóa. Mặc dù đó là những bước chuyển biến mang tính quy luật, nhưng ẩn chứa và đi kèm theo đó là những nguy cơ và sự suy yếu của các giá trị truyền thống trước xu thế hiện đại hóa đất nước.

Vì vậy, vấn đề đầu tiên đặt ra có liên quan đến lĩnh vực văn hóa và con người chính là phải giải quyết được mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại.

Những năm gần đây chúng ta đã nói nhiều đến vấn đề bản sắc dân tộc của văn hóa, nhưng bản sắc đó là gì thì dường như cũng chưa thật rõ.

Về vấn đề này, theo tôi, cần chỉ ra những giá trị cốt lõi trong văn hóa truyền thống của dân tộc ta. Đó là những giá trị được hình thành từ thời Hùng Vương dựng nước, được lưu giữ qua nhiều thời kỳ lịch sử đến thời đại Hồ Chí Minh. Khi Bác Hồ nói: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”, thì câu đó không chỉ có ý nghĩa phải bảo vệ lấy giang sơn đất nước này, mà còn phải giữ lấy đạo lý làm người mà tổ tiên ta đã tạo nên. Đạo lý đó chính là những giá trị văn hóa cội nguồn của dân tộc.

Những giá trị cội nguồn từ thời Hùng Vương, đã được các thế hệ người Việt Nam trước đây giữ gìn, bổ sung và phát triển để tạo nên truyền thống văn hiến “như nước Đại Việt ta từ trước / vốn xưng nền văn hiến đã lâu” mà Nguyễn Trãi đã từng khẳng định trong “Đại Cáo bình Ngô”.

Trong tình hình hiện nay, có thể nói sự hiểu biết của đại bộ phận nhân dân (kể cả cán bộ, đảng viên) về lịch sử dân tộc còn quá thiếu sót. Rõ ràng chúng ta chưa thực hiện được mong muốn của Bác Hồ:

Dân ta phải biết sử ta
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam

Không hiểu lịch sử thì không thể rút ra những bài học bổ ích (trong đó có bài học làm người) mà các thế hệ cha anh trước đây đã để lại.

Vì vậy, để khắc phục việc xa rời các giá trị truyền thống của dân tộc, việc xây dựng một chương trình giáo dục lịch sử dân tộc cho toàn dân, đặc biệt cho cán bộ đảng viên và thanh thiếu niên, sẽ có một ý nghĩa quan trọng. Qua nội dung giáo dục đó, các thế hệ người Việt Nam hiện nay sẽ có điều kiện yêu mến và tự hào hơn về truyền thống dân tộc, bớt đi đầu óc sính ngoại, lai căng đang có nguy cơ lan rộng.

Việc giáo dục các giá trị truyền thống sẽ góp phần quan trọng cho sự phát triển đất nước hiện nay. Kinh nghiệm chỉ ra rằng nếu không hiểu biết chúng ta từ đâu tới thì cũng khó xác định chúng ta sẽ đi về đâu, đặc biệt trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay.

Việc học tập các tấm gương sáng trong lịch sử dân tộc (đặc biệt qua các danh nhân văn hóa) sẽ giúp chúng ta thường xuyên tự soi mình vào quá khứ vẻ vang của dân tộc để tự sửa chữa, tu dưỡng bản thân, khỏi hổ thẹn với tiền nhân. Cha ông ta đã để lại nhiều gương sáng không chỉ trong việc lãnh đạo toàn dân làm nên những chiến công lớn, mà còn để lại nhiều tấm gương sáng trong cuộc sống đời thường. Tại sao vua Lê Lợi lại từ chối việc giao chức Tể tướng cho Lê Lễ, dù Lê Lễ có công rất lớn là đã cứu thoát Lê Lợi và gia đình vua. Vua nói với Lê Lễ: “Nếu dồn mọi công lao lại thì ngôi Tể tướng chẳng ngươi thì còn ai? Trẫm có tiếc gì ngươi, chỉ vì tài của ngươi không xứng mà thôi”.

Vua Lê Thánh Tông lúc mới lên làm vua, dù bận trăm công nghìn việc, vẫn căn dặn triều đình tập trung lo hai việc:việc nông tang để dân có cái ăn, cái mặc và việc lễ nghĩa để sửa tốt lòng dân. Vua cho đó là hai điều cốt yếu của chính sự. Bản thân vua đã soạn ra 24 điều giáo huấn nhằm răn dạy mọi người sống theo thuần phong mỹ tục. 24 điều giáo huấn đó được phổ biến rộng khắp các thôn làng.

Những câu chuyện như vậy không ít trong lịch sử dân tộc.

Vì vậy, trong định hướng phát triển của đất nước, bên cạnh các nội dung dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng… cần nêu thêm một định ngữ: văn hiến (văn hiến có nghĩa là có truyền thống văn hóa lâu đời và tốt đẹp). Chữ văn hiến ở đây sẽ gợi nhớ tới truyền thống văn hóa lâu đời và tốt đẹp của dân tộc ta. Truyền thống đó phải là điểm tựa để chúng ta tiến bước vào tương lai một cách chủ động và tự tin. Một xã hội có văn hiến sẽ là một xã hội trong đó các mối quan hệ xã hội, từ trong phạm vi gia đình ra ngoài xã hội đều được giải quyết một cách hài hòa, có nguyên tắc, có kỷ cương. Người có trọng trách cao càng phải nêu gương tốt, các bậc cha mẹ, phụ huynh, thầy giáo đều phải làm đúng thiên chức của mình.

XÂY HAI TRỤ CỘT: ĐẠO ĐỨC VÀ LUẬT PHÁP

Xây dựng và phát triển văn hóa, con người đòi hỏi phải tự nguyện tự giác. Nhưng điều đó không có nghĩa nằm ngoài sự quản lý của xã hội. Kinh nghiệm của cha ông ta từ xưa đều đòi hỏi phải có sự thưởng phạt công minh.

Để xây dựng và phát triển con người, từ xa xưa nhân loại đã hình thành hai cột trụ: đạo đứcluật pháp. Ta thường gọi là đức trịpháp trị. Nói đức trị là nói xử lý bằng nêu gương, bằng sự đánh giá của dư luận xã hội. Nói pháp trị là nói xử lý bằng hình phạt. Khi đức trị và pháp trị đều nghiêm minh thì xã hội bớt đi những hiện tượng tiêu cực.

Vua Lê Thánh Tông có lần nói với các triều thần: “Trẫm không rõ ngày thường các khanh ở nhà có băn khoăn lo lắng việc nước, không chút lơ là để uốn sửa chỗ thiếu sót của trẫm không, hay chỉ tiêu dao dưỡng tính, mưu kiếm lợi riêng, theo người đời mà tiến mà lui, để giữ bền quyền vị chăng?… Từ nay về sau, kẻ nào còn quen thói nhơ bẩn như cũ, theo người ta mà tiến mà lui, mưu giữ quyền vị, thì trẫm sẽ vì các khanh mà giết nó đi. Kẻ nào theo lời dạy bảo, mà sửa bỏ lỗi trước đi, hết lòng thành tín, dốc sức tận tâm, thì trẫm cũng sẽ vì các khanh mà khen thưởng họ”. Sự nghiêm minh của nhà vua còn được thể hiện trong chế độ tiến cử quan lại. Vua ra lệnh: “Khi khiếm khuyết các chức vụ, thì các quan khác phải vâng mệnh bảo cử những ai có đủ tài, đức, có thể làm chức gì… trong khi đó các quan ở các khoa, đài, phải cùng biên chép, ghi sổ rõ ràng. Sau này người được bảo cử nếu không làm được việc, hư hỏng, thì phải tra xét viên quan nào đã bảo cử người đó vào chức vụ”.

Nhờ cách quản lý một cách nghiêm túc như vậy, thời Lê Thánh Tông đã hình thành một đội ngũ quan lại vừa có kiến thức, vừa có đạo đức và trách nhiệm để hoàn thành công việc mà nhà vua giao phó.

Những kinh nghiệm hay mà người xưa để lại có thể coi là những bài học để chúng ta khắc phục những thiếu sót, sai lầm trong xây dựng đội ngũ cán bộ trong tình hình hiện nay. Tất nhiên công tác tổ chức cán bộ của chúng ta hiện nay đã bước sang một quỹ đạo mới, không giống như chế độ quan trường ngày xưa. Nhưng tinh thần khách quan, trung thực và tính trách nhiệm cao mà người xưa để lại, vẫn có ý nghĩa rất quan trọng để chúng ta vượt qua những thiếu sót, sai lầm thường xẩy ra. Ở nước ta hiện nay, công tác cán bộ do tập thể cấp ủy quyết định, nên rất khó xử phạt hay khen thưởng người tiến cử. Nhưng nghĩ cho cùng, trong tập thể đó vẫn có người chịu trách nhiệm chính. Bác Hồ dạy: Công tác cán bộ là việc gốc của Đảng. Vì vậy, trong tình hình hiện nay, việc đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ cần được sự quan tâm của toàn Đảng, toàn dân. Bố trí sai cán bộ sẽ làm hỏng mọi việc. Nên chăng dựa vào dân, vào dư luận của quần chúng để thực hiện công tác cán bộ. Dân có điều kiện hiểu và đánh giá đầy đủ một cán bộ nào đó, mà nhiều khi cơ quan hay tổ chức Đảng không có điều kiện hiểu đầy đủ.

Vấn đề đặt ra là một bộ phận nhân dân đã tỏ thái độ đối lập với cách làm việc của một số cán bộ của chúng ta. Qua những vụ án liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, qua những biểu hiện bê bối của một bộ phận cán bộ lãnh đạo, chúng ta thấy lòng tin của nhân dân bị tổn thương (không loại trừ một số trường hợp bị kẻ xấu lợi dụng). Để mất lòng tin của dân là một mất mát lớn nhất đối với chúng ta. Nguyên nhân thì đã rõ: do một số cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao đã làm trái chủ trương của Đảng, Chính phủ, họ tìm cách vơ vét cho gia đình, họ hàng và phe nhóm của họ. Một số không ít cán bộ, đảng viên đã quên lời dạy của Bác: cán bộ là đầy tớ của dân. Họ đang trở thành những “quan cách mạng”. Họ không muốn học dân mà chỉ muốn đi dạy dân. Họ quên mất đường lối quần chúng của Đảng ta: cái gì có lợi cho dân thì phải hết sức mà làm, cái gì có hại cho dân thì phải tuyệt đối tránh. Trong những công việc quá khó khăn, họ không biết dựa vào dân, hỏi ý kiến của dân. Bác Hồ đã dạy: “Nhân dân biết giải quyết một cách đơn giản các vấn đề khó khăn nhất, phức tạp nhất, mà nhiều khi các bậc tài giỏi nghĩ mãi không ra”. Hiện tượng đề ra các chủ trương chính sách mà chỉ ngồi trong phòng máy lạnh, như có người đã nói, rất khó đáp ứng nguyện vọng của dân. Và chính điều đó cũng làm giảm lòng tin của dân đối với Đảng, Chính phủ. Bác Hồ dạy chúng ta: “Chính sách của Nhà nước phải là đạo nghĩa của dân”. Hiểu và thực hiện lời dạy đó đang là vấn đề thời sự nóng hổi.

Đức trị kém và pháp trị yếu cũng có thể coi là một trong những nguyên nhân quan trọng làm cho xã hội trở nên bất an. Phải thấy rằng mặt trái của kinh tế thị trường luôn có khả năng làm tha hóa con người. Cũng có thể nói mặt trái đó đang tấn công dữ dội vào các nguyên tắc đạo đức, nó dung dưỡng cho chủ nghĩa cá nhân, lối sống ích kỷ, vô cảm. Về pháp trị cũng vậy. Luật pháp của chúng ta chưa góp phần điều tiết xã hội, mà còn chạy theo thực tiễn. Bước vào kinh tế thị trường mà luật pháp còn yếu, chưa đồng bộ, chưa kịp thời, thì sẽ bị mặt trái của kinh tế thị trường thao túng.

Tình hình đó nếu không được khắc phục, thì sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người sẽ gặp rất nhiều trở ngại.

Khi văn hóa, con người chưa thực lành mạnh thì làm sao có thể mang lại sự phát triển bền vững của đất nước.

Cuộc sống thường xuyên chỉ ra rằng khi một bộ phận xã hội rơi vào trạng thái bất an, người lao động sẽ không thể toàn tâm toàn ý mang hết tâm lực, của cải, tiềm năng sáng tạo của mình để đóng góp, tham gia vào quá trình phát triển của đất nước. Chúng ta luôn khắc sâu lời dạy của Bác «Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong». Xây dựng và phát triển văn hóa, con người chính là phát huy sức mạnh nội sinh của dân tộc. Đó là nguồn sức mạnh vô biên đã được lịch sử chứng minh. Đó cũng là bài học lớn mà Bác Hồ thường xuyên căn dặn chúng ta./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *