Nghị quyết Đại hội XII của Đảng xác định: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc…; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội”. Thực hiện nghị quyết và phát huy những thành quả đạt được, công tác biên giới lãnh thổ của nước ta đã giành được nhiều thành tựu nổi bật, trong đó phải kể đến công tác phân giới cắm mốc (PGCM) biên giới trên đất liền Việt Nam-Campuchia.

Việt Nam có chung đường biên giới trên đất liền với 3 nước: Trung Quốc, Lào và Campuchia. Nhằm phục vụ mục tiêu giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước và với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, Việt Nam luôn mong muốn cùng các nước láng giềng xây dựng biên giới chung hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Việt Nam đã hoàn thành công tác PGCM biên giới trên đất liền với Trung Quốc và Lào. Trong khi đó, cho đến nay, công tác PGCM biên giới trên đất liền Việt Nam-Campuchia đã hoàn thành khoảng 84%.

Đường biên giới trên đất liền Việt Nam-Campuchia có chiều dài khoảng 1.245km, đi qua 10 tỉnh của Việt Nam và 9 tỉnh của Campuchia. Trên cơ sở Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 2005, Việt Nam và Campuchia đã triển khai công tác PGCM biên giới trên đất liền từ đầu năm 1986. Nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam đầu tháng 10 vừa qua của Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen, hai nước đã ký hai văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả công tác PGCM biên giới trên đất liền (khoảng 84%) là “Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và Vương quốc Campuchia”, “Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và Vương quốc Campuchia”. Đây là dấu mốc lịch sử có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình giải quyết vấn đề biên giới trên đất liền giữa hai nước sau hơn 30 năm đàm phán, cho thấy nếu có thiện chí, quyết tâm, trách nhiệm, sự tin cậy và nỗ lực chung, vấn đề khó khăn như biên giới lãnh thổ vẫn hoàn toàn có thể thống nhất giải quyết trên cơ sở của luật pháp quốc tế.

Cùng với các văn kiện pháp lý về biên giới đã ký kết trước đây, hai văn kiện nói trên tạo thành khung pháp lý cho việc quản lý và phát triển đường biên giới Việt Nam-Campuchia, bảo đảm giữ vững an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, đồng thời thúc đẩy hợp tác phát triển, giao lưu hữu nghị, nâng cao đời sống cư dân biên giới. “Kết quả tốt đẹp đó xuất phát từ quyết tâm của chính phủ hai nước với thiện chí hoàn thành công tác PGCM biên giới đất liền trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ giữa Vương quốc Campuchia và nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, vì hạnh phúc và phồn vinh của dân tộc và nhân dân hai nước, để không ngừng tăng cường mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, đoàn kết truyền thống tiến tới xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế”, ngài Var Kim Hong, Bộ trưởng Cao cấp phụ trách công tác biên giới, Chủ tịch Ủy ban liên hợp PGCM biên giới đất liền Campuchia-Việt Nam khẳng định tại Hội nghị tổng kết công tác PGCM biên giới trên đất liền Việt Nam-Campuchia giai đoạn 2006-2019.

Hiện tại, khối lượng công việc PGCM biên giới trên đất liền Việt Nam-Campuchia trên thực địa còn lại không nhiều, song đều là các vấn đề phức tạp. Việt Nam và Campuchia đã nhất trí sẽ tiến hành triển khai công tác quản lý biên giới theo kết quả PGCM tại những khu vực đã hoàn thành PGCM, đồng thời tiếp tục nỗ lực và hợp tác chặt chẽ hơn nữa để hoàn thành 16% khối lượng công tác PGCM còn lại. Vì công tác PGCM chưa hoàn thành toàn bộ nên công tác quản lý Nhà nước về biên giới trên đất liền Việt Nam-Campuchia cần tập trung một số nội dung sau.

Một là, thường xuyên quán triệt và tổ chức thực hiện tốt các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta về vấn đề biên giới quốc gia. Biên giới quốc gia nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ quốc gia, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh của đất nước. Xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia là sự nghiệp của toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý, thực hiện theo hướng phát triển kinh tế-xã hội kết hợp với tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Việt Nam khẳng định mong muốn xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định lâu dài với các nước láng giềng; kiên định phương châm giải quyết bằng biện pháp hòa bình, thông qua thương lượng mọi bất đồng, tranh chấp về biên giới lãnh thổ trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế.

Hai là, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho toàn thể nhân dân trong cả nước về công tác biên giới nói chung; đồng thời, thông tin một cách rộng rãi, công khai, minh bạch về quá trình đàm phán giải quyết vấn đề biên giới Việt Nam-Campuchia để dư luận nhận thức đúng, đầy đủ về kết quả mà hai nước đã đạt được dưới góc độ khách quan, khoa học, không để các đối tượng xấu gây rối, xuyên tạc, ngăn cản tiến trình PGCM. Phối hợp quản lý tốt đường biên giới, mốc quốc giới và đẩy mạnh hợp tác phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trong khu vực biên giới, hướng tới mục tiêu xây dựng một đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững giữa hai nước.

Ba là, chính quyền địa phương các tỉnh biên giới Việt Nam-Campuchia cần chú trọng tăng cường quản lý khu vực biên giới trên đất liền theo các văn kiện pháp lý và thỏa thuận song phương đã ký kết. Đặc biệt, trong khi hai bên chưa hoàn thành công tác PGCM biên giới trên đất liền, cần quán triệt nội dung “trong khi chờ đợi giải quyết những vấn đề còn tồn tại về biên giới thì duy trì sự quản lý hiện nay; không thay đổi, xê dịch các cột mốc biên giới; giáo dục không để nhân dân xâm canh, xâm cư và cùng nhau hợp tác giữ gìn an ninh, trật tự biên giới” được nêu rõ trong Thông cáo báo chí chung Việt Nam-Campuchia 1995.

Bốn là, đội ngũ cán bộ làm công tác biên giới, cán bộ tham mưu, nghiên cứu và các cơ quan báo chí cần nắm vững các quy định về quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam-Campuchia; chủ động nghiên cứu, có nhận thức đúng và đầy đủ về tiến trình đàm phán và ký kết các văn kiện pháp lý về biên giới lãnh thổ, trên cơ sở đó xây dựng các lập luận vững chắc cả về pháp lý, kỹ thuật để đấu tranh bảo vệ những lợi ích của đất nước cũng như những thành quả đã đạt được trong quá trình giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ giữa Việt Nam với Campuchia, giúp định hướng dư luận, phản bác các luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật của các thế lực thù địch.

Mặc dù có biết bao khó khăn, thử thách với những thăng trầm của lịch sử, Việt Nam và Campuchia vẫn luôn là hai nước láng giềng anh em gần gũi, có mối quan hệ gắn bó từ lâu. Việc cùng nhau hợp tác hữu nghị phân định biên giới, vạch rõ “bờ cõi núi sông” cho muôn đời sau, có ý nghĩa sâu sắc và là trách nhiệm của cả thế hệ các nhà lãnh đạo và mọi người dân hai nước Việt Nam-Campuchia. Chúng ta hy vọng rằng những thành quả đã đạt được sẽ tạo động lực quan trọng để hai bên giải quyết nốt 16% khối lượng công tác PGCM còn lại, tiến tới xây dựng hoàn chỉnh một đường biên giới trên đất liền Việt Nam-Campuchia hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển và trở thành di sản lịch sử mãi mãi cho nhân dân hai nước.