Nhớ Bác Hồ khi xuân về, Tết đến

Nhớ Bác Hồ khi xuân về, tết đến

Đã 49 cái tết vắng Bác Hồ, mỗi người dân Việt Nam nhớ Bác Hồ da diết khôn nguôi khi Xuân về, tết đến.

Bác Hồ với các anh hùng và dũng sĩ miền Nam

Nhớ Bác Hồ! Lúc sinh thời, cứ mỗi dịp xuân về, tết đến, Bác lo nghĩ cho dân nhiều hơn, mong cho dân có một mùa xuân ấm no, hạnh phúc, người người, nhà nhà được đón những ngày tết dân tộc vui tươi, có đầy đủ hương vị ngày tết, sau 1 năm làm lụng vất vả; và rồi như Bác bảo: “Để sắp đặt cái kế hoạch hoạt động sống còn cho cả năm”. Bởi thế, thường thì trước tết 3 tháng, Bác đã nhắc các cơ quan, các ngành, các địa phương phải chuẩn bị chu đáo cho dân đón tết. Còn Bác có chương trình riêng cho mình, chương trình đó cũng nhằm phục vụ dân đón tết:

Trước hết, Bác tìm những ý thơ cho bài thơ chúc mừng năm mới, với tình cảm của mình gửi tới mọi người dân:

“Rót cốc rượu Xuân mừng thắng lợi,

Viết bài chào Tết chúc thành công…

Vài lời chúc Tết nôm na,

Vừa là chúc Tết, vừa là mừng Xuân”

Để rồi, giao thừa tới, nhân dân ta được nghe Thơ chúc Tết của Bác Hồ, được nghe Bác Hồ đọc Thơ chúc Tết với những cảm nhận sâu sắc:

Giọng của Người không phải sấm trên cao,

Thấm từng tiếng ấm vào lòng non nước.

Con nghe Bác tưởng như lời non nước,

Tiếng ngày xưa và cả tiếng mai sau”

 

(Tố Hữu)

Để đến nay và mãi mai sau tất cả vẫn mang nặng nỗi niềm nhớ nhung:

 

Bác ơi! Tết đến giao thừa đó,

Vẫn lắng nghe Thơ Bác mọi lần.

Ríu rít đàn em vui pháo nổ,

Tưởng nghìn tay Bác vỗ sang Xuân”

 

(Tố Hữu)

Tiếp đến, Bác soạn thảo bài viết “Tết trồng cây”. Với tầm nhìn chiến lược về tương lai, Tết trồng cây được Bác Hồ phát động cho toàn dân ta từ tháng 11 năm 1959. Thời gian càng lùi xa, đến nay đã là 56 năm, chúng ta càng thấy ở công việc “Tết trồng cây” những ý nghĩa sâu xa bắt nguồn từ truyền thống lâu đời của dân tộc, cũng như những ý tưởng đi trước thời đại trong việc giữ gìn sinh thái, môi trường thiên nhiên. Bắt đầu từ tết năm 1960 – năm mở đầu cho phong trào “Tết trồng cây” do Bác phát động, cho đến tết cuối cùng trong cuộc đời Bác, năm nào Bác cũng có bài viết “Tết trồng cây” vừa là sự động viên nhân dân hăng hái trồng cây ngày tết “làm cho đất nước càng ngày càng xuân”, vừa mãi mãi là sự chăm lo của Bác cho cuộc sống mưu sinh của nhân dân, như trong bài viết cuối cùng về “Tết trồng cây” ngày 5-2-1969: “Tết trồng cây… đã trở thành một tục lệ tốt đẹp của nhân dân ta. Việc trồng cây ngày càng hướng vào những yêu cầu thiết thực như lấy gỗ, cây ăn quả, cây chắn gió phục vụ thâm canh lúa, bảo vệ đê, bao đồi, chống xói mòn, chống cát bay”.

Chương trình cuối cùng của Bác cho những ngày tết, một chương trình chỉ có Bác, đồng chí thư ký riêng của Bác và các đồng chí cận vệ của Bác biết, đó là Bác mong mỏi được về thăm dân trong những ngày tết dân tộc, nhưng việc thăm đó không do cơ quan sắp xếp, bố trí. Nên, những cuộc vi hành ngày tết của Bác không ồn ào, không náo nhiệt, hoàn toàn bí mật, bất ngờ. Nhờ vậy, Bác hiểu cái thật của dân và Bác đến với dân là Bác đến với dân thật.

Nhớ Bác Hồ, tối 30 Tết Xuân Canh Tý (năm 1960), nếu Bác đến thăm các gia đình theo chương trình bố trí của cơ quan thì làm sao Chủ tịch nước biết được hoàn cảnh thật của một gia đình người phụ nữ nghèo, góa chồng, khi gần đến giao thừa rồi mà vẫn phải đi gánh nước thuê đổi gạo để sáng mùng 1 Tết có cơm ăn cho 4 đứa con nhỏ của mình. Bác đã nói với những người phục vụ, bảo vệ Bác đi cùng về nỗi lòng mình: Đúng là 30 Tết mà không có tết. Vậy còn bao nhiêu gia đình như thế này ở khắp mọi miền đất nước? Cứ ngồi nghe báo cáo thì đâu cũng là no ấm, tươi vui.

Nhớ Bác Hồ! Tết Kỷ Dậu năm 1969, Bác Hồ đã gửi cho toàn dân bài thơ chúc tết, chúc toàn dân cả nước một lòng hăng hái tiến lên, để cho Bắc Nam sum họp trong những ngày tết dân tộc vui vẻ:

“Năm qua thắng lợi vẻ vang,

Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to.

Vì độc lập, vì tự do,

Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào.

Tiến lên!

Chiến sĩ đồng bào

Bắc Nam sum họp Xuân nào vui hơn”

Có lẽ linh cảm đây là cái tết cuối cùng của mình, nên dù sức khỏe giảm sút nhiều, Bác Hồ vẫn đặt chương trình đi thăm và chúc tết nhiều nơi và đi trồng cây. Để không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của Bác, các đồng chí ở Văn phòng phục vụ Bác đã khéo sắp xếp theo mong muốn của Bác là đi thăm, chúc tết và trồng cây.

Và, sáng 16-2-1969 (tức ngày mùng 1 Tết Kỷ Dậu), Bác đến đồi trồng cây “Đón Bác Hồ” và trồng cây ở xã Vật Lại, huyện Ba Vì – khi đó thuộc tỉnh Hà Tây. Nói chuyện và chúc tết nhân dân địa phương, Bác nói: “Các cụ thì biết chuyện cũ, chuyện mới, nhưng các cháu ngày nay chỉ biết chế độ dân chủ cộng hòa. Đất nước bây giờ là của ta, cho nên cần phải thi đua sản xuất giỏi, trồng cây giỏi”.

Hôm ấy, trồng cây xong, đã gần trưa, đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã đã kính mời Bác ăn bữa cơm tết cùng địa phương. Bác bảo: Bác cảm ơn, vì những người giúp việc đã chuẩn bị cơm cho Bác rồi; và Bác mời đồng chí Bí thư, Chủ tịch, chị phó chủ tịch UBND xã sang ăn cơm cùng Bác. Việc Bác không ăn cơm với xã có nguyên do: lần Bác về thăm tỉnh Hưng Yên, các đồng chí lãnh đạo tỉnh mời Bác ăn cơm, Bác nhận lời. Nhưng rồi sau đó tỉnh có làm bản thanh toán tài chính ghi rõ: “thịt một con bò”. Từ đó, mỗi khi về địa phương làm việc, Bác thường mang cơm từ nhà đi để tránh tiếng như Bác đã nói: Hôm đó về thăm, Bác ăn có vài miếng thịt bò mà họ quyết toán chiêu đãi Bác Hồ cả một con bò, và như thế Bác Hồ bao che cho cái chuyện xôi thịt. Và sáng mùng 1 Tết Kỷ Dậu năm 1969, Bác cũng không để có ngoại lệ. Có ai đoán biết được rằng, đây là lần cuối cùng và là cây cuối cùng Bác trồng để gieo mầm cho sự sống đời sau và cũng là bữa cơm ngày tết cuối cùng của Bác khi về địa phương – để lại cho đời bao nỗi nhớ thương.

 

Ngày 26-2 Xuân năm ấy, Bác Hồ đã nói chuyện tại buổi tiếp đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc:

“Thưa các cụ, các cô, các chú,

Trong thư chúc Tết năm nay, tôi có nói là:

Tiến lên chiến sĩ đồng bào,

Bắc Nam sum họp Xuân nào vui hơn!

Trong lúc viết thì như thế, tôi cũng không chắc là câu thơ đó được thực hiện trong năm nay. Hôm nay, bác sĩ Phùng Văn Cung cùng phái đoàn ra đây, đồng bào miền Bắc rất sung sướng. Để mà hoan nghênh phái đoàn miền Nam ruột thịt, thì nói mấy câu, mấy nghìn câu, mấy vạn câu không thể hết được. Tôi xin phép chỉ nói một câu thôi:

Bao giờ Nam Bắc một nhà,

Việt Nam đại thắng chúng ta vui mừng”

Và, không thể ngờ rằng đây là lần gặp cuối cùng đại biểu của đồng bào miền Nam; và là những lời chúc tết cuối cùng Bác dành cho đồng bào, đồng chí miền Nam trong những ngày xuân của dân tộc, đất nước – để lại cho đồng bào, đồng chí miền Nam nỗi niềm nhớ thương Bác nhiều khi xuân về, tết đến.

15 năm Bác Hồ ở và làm việc tại khu Phủ Chủ tịch, năm nào cũng vậy, Bác vẫn mời những đồng chí trực tiếp phục vụ Bác, những chiến sĩ công an trực tiếp bảo vệ Bác ăn bữa cơm tất niên vào ngày tết cổ truyền dân tộc bằng những đồng tiền nhuận bút và tiền tiết kiệm của Bác và cho chụp ảnh kỷ niệm với Bác. Những tết mà Bác đi công tác xa, Bác giao cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng thực hiện việc này.

Những bài thơ chúc tết, những việc làm, những lời nói chân tình của Bác từ những mùa Xuân trước đến nay vẫn còn nguyên giá trị và như đang nhắn nhủ với tất cả chúng ta hôm nay. Và đó là sự chăm lo của người Ông, người Bác, người Cha dành cho cháu con mỗi khi xuân về, tết đến.

Sưu tầm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *