Hậu quả thương tâm do nổ pháo ngày tết: Cần biện pháp mạnh hơn nữa.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, chỉ riêng từ ngày 30 tháng Chạp đến ngày mùng 2 tết vừa rồi cả nước đã ghi nhận 190 ca nhập viện do pháo nổ, tăng gấp rưỡi so với Tết Đinh Dậu năm 2017.

Học sinh lớp 7 chế pháo nổ làm cụt 2 tay

Ngoài con số thống kê được, còn nhiều trường hợp bị thương như cụt tay, mất ngón tay, ngón chân, bỏng, mù mắt,… nhập viện nhưng không dám nhận mình bị thương do nổ pháo.

Tình trạng pháo nổ gây hậu quả nghiêm trọng trong đợt tết vừa rồi là hồi chuông cảnh tỉnh cho lực lượng chức năng cũng như nhân dân cả nước.

 

Nhiều người hiện nay vẫn thắc mắc: Tại sao lại cấm pháo? Năm 1994, xảy ra tình trạng sản xuất, mua bán, sử dụng pháo tràn lan, ồ ạt gây thương vong nghiêm trọng, ô nhiễm môi trường, lãng phí tiền của, cùng với các hành vi buôn pháo lậu gây mất an ninh trật tự. Theo báo cáo của 44/53 tỉnh, thành phố, tết nguyên đán Giáp Tuất 1994, cả nước có 728 vụ tai nạn do pháo gây ra, làm chết 71 người, bị thương 765 người, tiêu tốn khoảng 20-30 tỉ đồng.

Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 406/TTg-CP ngày 08/08/1994 về việc cấm sản xuất, mua bán và đốt pháo. Chỉ thị ra đời mang tính răn đe của pháp luật, ngăn chặn và hạn chế những hậu quả nghiêm trọng từ pháo, đặc biệt là con số về thương vong từ pháo giảm đáng kể, được đông đảo người dân đồng tình ủng hộ.

Hiện nay, mặc dù đã có các quy định của pháp luật về nghiêm cấm các hoạt động liên quan đến pháo nhưng vẫn còn tình trạng sản xuất và tiêu thụ pháo trái pháp luật, buôn lậu pháo, thậm chí nhiều người dân còn tự chế tạo pháo ngay tại nhà dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc xảy ra. Dù trước và trong tết lực lượng chức năng đã ra quân truy quét, ngăn chặn và xử lý nhưng vẫn còn một bộ phận cố ý vi phạm. Tình trạng sử dụng pháo hiện nay đa số xuất phát từ tính tò mò, hiếu kỳ của một bộ phận thanh niên, thách thức pháp luật hoặc do thiếu hiểu biết về các quy định của pháp luật về pháo.

Các hành vi sản xuất, mua bán, sử dụng, tàng trữ, vận chuyển pháo đều đã có quy định chế tài xử phạt. Thậm chí, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bên cạnh sự vào cuộc của các lực lượng chức năng, cần tăng cường nâng cao nhận thức cũng như ý thức tự giác cho mỗi người dân; cần quán triệt đến từng cá nhân, tổ chức để không xảy ra những hậu quả không đáng có. Chính quyền cần kiên quyết và mạnh tay hơn nữa, thể hiện tính răn đe của pháp luật, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn của người dân để hàng năm được đón tết cổ truyền an toàn, bình yên./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *