NHỮNG CON ĐƯỜNG DƯỚI RỪNG GIANG – HÀO HÙNG THỜI KHÓI LỬA

Cuối tháng 1-2013, sau khi dự Lễ cầu siêu nhân dịp khánh thành Nhà bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Trung đoàn Phú Xuân, chúng tôi ngược Quốc lộ 49 lên thăm chiến trường xưa. Quốc lộ 49 bây giờ là con đường 12 năm xưa nối từ Đường Hồ Chí Minh về Huế xuống biển. Con đường được những người lính Việt Nam cộng hòa (VNCH) gọi là con đường máu! Đó là con đường huyết mạch không ngày nào không xảy ra những trận chiến đấu phục kích giữa quân giải phóng và lính VNCH và cũng là con đường kẻ thù tháo chạy.
Dừng trên dốc, chúng tôi leo lên một quả đồi ngắm nhìn toàn cảnh khu vực điểm cao Gia Than, Mỏ Tàu, một trong những điểm chốt nổi tiếng ác liệt trong cụm tuyến phòng ngự Mỏ Tàu, Hòn Vượn, Động Tranh… miền tây Thừa Thiên-Huế. Gần nửa thế kỷ đi qua, những quả đồi bom đạn đào lên, lộn xuống đã phủ kín cây xanh nhưng trong chúng tôi ký ức về những trận chiến đấu khốc liệt vẫn hiện rõ như mới ngày hôm qua. Nơi đây, cuối năm 1974, chúng tôi trong đội hình Trung đoàn Phú Xuân (Trung đoàn 6, LLVT Thừa Thiên-Huế) có một trận đánh lên điểm cao Gia Than-trận đánh tạo nên “kỳ tích” mở những con đường dưới rừng giang.

Ở Trường Sơn, họ nhà giang thường mọc trên sườn đồi hoặc các vách ta luy nhưng ở miền tây Thừa Thiên-Huế, nhất là vùng giáp ranh giữa rừng đại ngàn và trung du có những cánh rừng giang đi cả ngày không hết. Những rừng giang ấy là hậu quả hủy diệt của chất độc da cam Mỹ rải xuống và những trận bom na pan. Bom na pan đã đốt cháy những cánh rừng đại ngàn. Đúng như nhà thơ Tố Hữu đã khắc họa trong bài thơ “Nước non ngàn dặm”: Cây khô, chết chẳng nghiêng đầu/ Nghìn tay than cháy rạch màu trời xanh. Nhưng lạ thay với sức sống mãnh liệt, những gốc giang ủ mầm dưới đất sau một mùa mưa đã mọc tua tủa và bò lan kín mặt đất. Chẳng mấy chốc những cây giang thân ống dài vươn ra, đan vào nhau như một tấm lưới khổng lồ trùm kín những ngọn đồi cháy trụi.

Chiếm lĩnh được những cao điểm để xây dựng trận địa chốt, cả quân giải phóng và lính VNCH đều coi rừng giang bao quanh điểm chốt như tấm lưới vật cản tự nhiên bảo vệ sự xâm nhập của đối phương. Rừng giang trở thành hàng rào phòng ngự tự nhiên rất hiệu quả cho cả ta và địch. Bên nào chiếm được cao điểm thì đối phương không dễ tiếp cận, không thể tiến công ồ ạt lên cao điểm.

Thời điểm quân VNCH chiếm giữ Mỏ Tàu, cao điểm Gia Than là trận địa chốt phòng ngự phía trước. Vì vậy hệ thống vật cản xung quanh điểm chốt được lính VNCH tổ chức dày đặc và rất nhiều tầng lớp. Muốn tiếp cận được lớp hàng rào dây thép gai sát cao điểm phải vượt qua những quả đồi rừng giang rộng, dày. Mặc dù bị bom pháo xé rách nhưng cây giang sau một trận mưa mầm nảy càng nhanh, măng giang vươn lên tua tủa như chông, nhánh giang càng bò sát rễ càng bám chặt xuống đất.

Đã vài ba lần bộ đội ta tổ chức đánh chiếm cao điểm Gia Than nhưng đều thất bại vì bị lộ đường tiếp cận. Nguyên nhân là các mũi tiến công bị địch phát hiện. Vì chỉ sau ít giờ tổ trinh sát cắt rừng giang chuẩn bị đường thì dưới nắng nóng, lá giang đã héo đi rất nhanh. Trận đánh chiếm điểm cao Gia Than cuối năm 1974 trong quyết tâm chiến đấu của tiểu đoàn lực lượng được chia thành ba mũi tiến công. Hướng đông có hai mũi, trong đó có một mũi làm nhiệm vụ dương công (nhử cho địch phát hiện để thu hút hỏa lực tạo điều kiện cho các mũi tiến công khác). Hướng tây là mũi chủ yếu. Nhiệm vụ đặt ra cho trung đội trinh sát là chuẩn bị đường tiếp cận, tiến công phải tuyệt đối bí mật, không để địch phát hiện. Sau nhiều lần thảo luận, trung đội tìm ra phương án mở đường dưới rừng giang nhưng không được cắt vào thân cây giang, không được để giang héo lá.

Trước khi trinh sát trực tiếp mở đường lên Gia Than, toàn trung đội thực tập mở đường dưới rừng giang ở một quả đồi gần khu vực trú quân của ta. Sau nhiều lần thực nghiệm, chúng tôi chọn được một phương án tốt nhất. Đó là dùng các cọc chống để nâng cao các cành giang bò là sát mặt đất. Những cành giang bò sát và bắt rễ xuống đất thì phải cắt rễ từ trong đất, không cắt rễ sát cành, không cắt hoặc làm gãy cành giang để tránh giang héo lá. Cứ thế, những con đường ống được hình thành dưới rừng giang mà từ trên trận địa chốt nhìn xuống địch không thể nào phát hiện được.

Chỉ trong vòng hai đêm, ba con đường ống dưới rừng giang dẫn lên cao điểm Gia Than được hình thành mà địch không hề hay biết. Bởi thế, khi bị ta tiến công, địch bất ngờ, trở tay không kịp. Trận chiến đấu chiếm điểm cao Gia Than cuối năm 1974 ấy diễn ra nhanh gọn và ít tổn thất. Tổng kết trận chiến đấu, điều mà đơn vị tâm đắc nhất là những con đường ống dưới rừng giang dẫn ba mũi quân tiếp cận sát cao điểm Gia Than tuyệt đối an toàn. Có những chiến sĩ cao hứng còn gọi đó là một “kỳ tích”. Kỳ tích của những con đường dưới rừng giang. Vì sau trận chiến đấu ấy, trước mũi súng của kẻ địch, dưới những rừng giang bộ đội ta đã sống, sinh hoạt và chuẩn bị lực lượng, vật chất cho những trận chiến đấu khác. Công việc chuẩn bị ấy trước đây thường phải làm từ xa, thậm chí phải chuẩn bị từ hậu cứ.

Hôm nay đọc lại lịch sử Đường Trường Sơn không hiểu sao tôi cứ nghĩ: Các nhà sử học cận đại có thể tính toán được trong những năm chống Mỹ bộ đội Trường Sơn đã mở được hàng chục vạn ki-lô-mét đường với những trục ngang, trục dọc. Nhưng các nhà sử học làm sao có thể tính được có bao nhiêu con đường khác len lỏi đến tận hang ổ kẻ thù!

nguồn : Lâm Hoàng Ân

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *