KỶ NIỆM 63 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG BỘ ĐỘI KHÔNG QUÂN (3/3/1955 – 3/3/2018)

Năm 1954, sau Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ-ne-vơ về Việt Nam được ký kết, miền Bắc tiến lên xây dựng CNXH, miền Nam tiếp tục thực hiện cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Đoàn Không quân Sao Đỏ

Theo đó, cùng với việc triển khai thực hiện các kế hoạch, nhiệm vụ phát triển lực lượng cách mạng, ngày 03-3-1955, Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam ký quyết định thành lập “Ban Nghiên cứu sân bay” với nhiệm vụ tiếp quản, chỉ huy và quản lý các sân bay hiện có; đồng thời, giúp Bộ Quốc phòng nghiên cứu tổ chức, xây dựng lực lượng Không quân. Từ đó, ngày 03-3 hằng năm trở thành Ngày truyền thống của Không quân nhân dân Việt Nam.

Trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, lực lượng Không quân đã thực hiện phương châm “Lấy ít đánh nhiều, lấy chất lượng cao thắng số lượng đông”, “Tiêu diệt địch bảo vệ mục tiêu, giữ gìn và phát triển lực lượng ta”, quyết tâm mở “Mặt trận trên không” thắng lợi.

Ngày 03 và 04-4-1965, trận đầu ra quân, lực lượng Không quân tổ chức hai biên đội cùng các lực lượng khác bảo vệ cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa). Các đơn vị tham gia đã hiệp đồng chặt chẽ, linh hoạt từ Sở chỉ huy Quân chủng (chỉ huy, dẫn đường) đến từng phi công; giữa biên đội tiến công và biên đội nghi binh.

Các phi công trong hai biên đội đã mưu trí, dũng cảm, chiến đấu ngoan cường, bắn rơi 04 máy bay Mỹ (02 chiếc F-8U, 02 chiếc F-105). Chiến công của Bộ đội Không quân trên bầu trời Thanh Hóa đã làm nức lòng chiến sĩ và đồng bào cả nước, được Bác Hồ và Trung ương Đảng khen ngợi. Chiến công đó mở đầu trang sử truyền thống của Không quân nhân dân Việt Nam.

Phát huy truyền thống đánh thắng trận đầu, đã ra quân là đánh thắng, Bộ đội Không quân đã vượt mọi khó khăn, gian khổ, tích cực học tập, huấn luyện nâng cao trình độ làm chủ vũ khí, khí tài, nắm chắc âm mưu, thủ đoạn thâm độc, xảo quyệt của kẻ thù, không ngừng phát triển, trưởng thành.

Với ý chí: “Đã xuất kích là mang chiến thắng trở về”, trong suốt giai đoạn chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ Không quân đã phát huy tinh thần dũng cảm, kiên cường, mưu trí, sáng tạo nhiều cách đánh độc đáo, thông minh, góp phần làm phong phú kho tàng nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Bộ đội Không quân đã đánh thắng địch cả trên không và trên biển, cả ban ngày và ban đêm, thậm chí tiến công sâu vào hậu cứ địch. Trong chiến đấu gian khổ, ác liệt, chủ nghĩa anh hùng cách mạng của Bộ đội Không quân càng được phát huy cao độ, làm ngời sáng phẩm chất cao quý của “Bộ đội Cụ Hồ” trên mặt trận đối không, bảo vệ bầu trời Tổ quốc.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, với tinh thần: “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, quyết thắng”, Bộ đội Không quân đã thiết lập đường hàng không Hà Nội – Huế, Hà Nội – Đà Nẵng để chi viện chiến trường.

Tính đến cuối tháng 4-1975, Bộ đội Không quân đã thực hiện hơn 160 chuyến bay, cơ động 4.300 cán bộ, chiến sĩ, vận chuyển hàng trăm tấn vũ khí, đạn dược, trong đó có khối lượng lớn cờ, biểu ngữ, truyền đơn, đáp ứng nhu cầu cấp bách của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy.

Bộ đội Không quân còn chủ động lựa chọn những phi công giỏi, gấp rút huấn luyện khai thác, sử dụng máy bay A.37 thu được của địch để đánh địch, tạo yếu tố bất ngờ.

Phi đội Quyết thắng được thành lập đã cất cánh từ sân bay Phan Rang tập kích bất ngờ vào sân bay Tân Sơn Nhất (chiều 28-4-1975), góp phần làm suy sụp tinh thần chiến đấu của ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn, thúc đẩy cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nhanh chóng kết thúc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bộ đội Không quân đã bắn rơi 320 máy bay của Mỹ, gồm đủ các kiểu loại và làm hỏng nhiều chiếc khác, đánh chìm và hỏng nhiều tàu chiến Mỹ.

Cùng với đó, Bộ đội Không quân còn hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc tế. Trong những thời điểm quan trọng, đặc biệt là trong chiến tranh biên giới Tây Nam (từ năm 1977 đến năm 1989), được Bạn yêu cầu, lực lượng Không quân Việt Nam không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh, đã hiệp đồng với các lực lượng khác cơ động chiến đấu trên khắp các chiến trường, góp phần giúp nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi họa diệt chủng.

Trong thời kỳ cả nước thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Bộ đội Không quân đã chủ động khắc phục khó khăn, tự lực tự cường vươn lên làm chủ các loại vũ khí, trang bị, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, cả thường xuyên và đột xuất.

Cùng với huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, Bộ đội Không quân còn tích cực tham gia các nhiệm vụ khác, như: bay chuyên cơ, bay cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, tham gia phát triển kinh tế – xã hội, kết hợp tốt kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, v.v.

Trải qua 63 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Bộ đội Không quân không ngừng trưởng thành và lớn mạnh, phát triển từ không đến có, từ nhỏ đến lớn, từ ít hiện đại đến hiện đại; vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng, góp phần tô thắm truyền thống vẻ vang của Quân đội anh hùng, dân tộc anh hùng. Với những chiến công và thành tích xuất sắc đó, Bộ đội Không quân đã được Nhà nước tặng Huân chương Sao vàng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Thu Lê

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *