LỜI CẢNH TỈNH CHO NHỮNG NGƯỜI CHỐI BỎ NGHĨA VỤ QUÂN SỰ VẺ VANG

“Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân… Công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú phải thực hiện nghĩa vụ quân sự”. Đó là quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự (NVQS) năm 2015.

Công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ luôn được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương chú trọng. Cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở nêu cao trách nhiệm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về NVQS, triển khai đồng bộ các biện pháp thực hiện tốt từng khâu, bước trong tuyển quân. Từ đó, khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” được lớp lớp thế hệ thanh niên của các địa phương giương cao, hăng hái, sẵn sàng lên đường nhập ngũ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc và tỉnh luôn hoàn thành 100% chỉ tiêu giao quân hằng năm.

Tuy nhiên, một số thanh niên thiếu rèn luyện, nhận thức lệch lạc nên dùng không ít “mánh khóe” nhằm trốn tránh thực hiện NVQS. Nêu cao tính nghiêm minh của pháp luật, chính quyền, Hội đồng NVQS và cơ quan chức năng các cấp trong tỉnh chú trọng kiểm tra, giám sát để phát hiện và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm Luật NVQS. Tùy vào vi phạm, các công dân này đều phải chịu hình thức kỷ luật và hình phạt nghiêm khắc của pháp luật.

LĨNH 20 THÁNG TÙ GIAM VÌ “ĐÀO NGŨ”

Đó là trường hợp của Nguyễn Ngọc Quân, sinh năm 1996, trú tại xã Châu Phong (huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh), chiến sĩ Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 2, Sư đoàn 3, Quân khu 1. Nguyễn Ngọc Quân đã bị Tòa án quân sự Khu vực 2 xét xử sơ thẩm công khai về tội “Đào ngũ” theo khoản 1, Điều 325, Bộ luật Hình sự.
Theo cáo trạng, ngày 15-2-2017, Nguyễn Ngọc Quân nhập ngũ, được biên chế vào Tiểu đội 12, Trung đội 6, Đại đội 10, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 2. Do ý thức kém, nhận thức lệch lạc, nên ngay sau khi nhập ngũ Quân có ý định trốn tránh NVQS. Mặc dù đã được chỉ huy đơn vị gặp gỡ, động viên, nhắc nhở nhiều lần song Quân không chấp hành mà tìm mọi cách trốn khỏi đơn vị, thoái thác nhiệm vụ. Ngày 27-2-2017, lợi dụng lúc đi ăn cơm, Quân đã trốn khỏi đơn vị, bắt taxi về khu nhà đang xây dựng ở phường Đáp Cầu, thành phố Bắc Ninh và trốn ở đó ngày ngủ, tối đi lang thang. Ngày 23-3, Quân về nhà tại thôn Châu Cầu, xã Châu Phong (huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) được mẹ và mọi người động viên đưa lên đơn vị.

Sau khi trở lại đơn vị, Quân được triển khai viết bản kiểm điểm, tường trình và cam kết không tái phạm. Đơn vị đã tổ chức sinh hoạt xét kỷ luật đối với Nguyễn Ngọc Quân bằng hình thức cảnh cáo cấp Đại đội. Những ngày sau đó, Quân vẫn không tiến bộ, ngựa quen đường cũ. Ngày 9-4-2017, đơn vị đang nghỉ trưa Quân tiếp tục bỏ trốn, bắt xe khách đến nhà ông Trần Văn Phú Quýc ở Đăk Lăk (anh trai của mẹ Quân), nói dối gia đình ông Phúc là vào chơi, thăm gia đình, với ý định trốn tránh, không quay trở lại đơn vị. Ngày 9-5-2017, ông Phúc được bà Hòa (mẹ đẻ Quân) thông báo là Quân đang bị truy nã về tội “Đào ngũ” nên đã khuyên bảo Quân về nhà đầu thú. Đến sáng 11-5-2017, Quân ra đầu thú tại UBND xã Châu Phong (huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh).

Tại phiên tòa bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn, hối cải, khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Lời sau cùng trước tòa, Nguyễn Ngọc Quân nói: “Bị cáo đã nhận ra lỗi lầm của mình, chỉ vì ham chơi, suy nghĩ nông cạn nên đã gây ra hậu quả nghiêm trọng, xin được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật. Con xin gửi lời xin lỗi đến mẹ, toàn thể gia đình và tập thể đơn vị…”.

Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, xem xét tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (đầu thú, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải) và nhân thân của bị cáo (bố bị cáo được tặng Huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Ba), Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Ngọc Quân 20 tháng tù giam.

Có mặt theo dõi vụ án, Đại tá Đặng Hùng Cường, Chánh án Tòa án quân sự Quân khu 1 cho biết: “Đầu năm 2017, trong một lần tổ chức giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại Trung đoàn 2, tôi đã gặp trực tiếp Nguyễn Ngọc Quân trò chuyện, phân tích và cảnh báo Quân nếu tiếp tục coi thường kỷ luật quân đội, trốn tránh NVQS sẽ phải chịu hình thức xử phạt cao hơn. Tôi cũng chỉ rõ, quân nhân đào ngũ sau khi thi hành xong bản án vẫn tiếp tục phải thực hiện NVQS đến khi đủ 24 tháng theo Luật NVQS. Đáng tiếc là Nguyễn Ngọc Quân không chịu tu dưỡng, thiếu ý thức rèn luyện nên phải chịu trách nhiệm với hậu quả mình gây ra”.

Binh nhất Nguyễn Văn Dũng, Chiến sĩ Khẩu đội 3, Trung đội 2, Đại đội 14, Trung đoàn 2 cho rằng: “Hậu quả của việc đào ngũ rất nghiêm trọng, vừa làm rối bận đơn vị, mà quan trọng hơn lại vướng vòng lao lý, mất quyền công dân. Sau này bản thân và con cái sẽ chịu nhiều thiệt thòi khi tham gia công tác xã hội, cũng như khó tránh khỏi sự kỳ thị của cộng đồng”.

Đây là bài học cho bị cáo, đồng thời là tiếng chuông cảnh tỉnh cho những ai coi thường pháp luật, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, dẫn đến vi phạm pháp luật. Đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ đang công tác và thực hiện NVQS trong quân đội.

Trần Như Khanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *