Vì sao Mobifone bị xử lý khi mua 95% cổ phần AVG???

Ngày 8/3, Văn phòng Trung ương Đảng có công văn về việc xử lý vụ Tổng công ty viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG).

Theo đó, vừa qua, Ban Bí thư đã họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để nghe Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ báo cáo kết quả việc thanh tra dự án nêu trên.
Ban Bí thư cho rằng, đây là một vụ việc rất nghiêm trọng, phức tạp, nhạy cảm, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Thanh tra Chính phủ đã có nhiều cố gắng tiến hành thanh tra toàn diện, kết luận và báo cáo với Ban Bí thư.
Ban Bí thư đề nghị Thường trực Chính phủ, Thanh tra Chính phủ chỉ đạo và chịu trách nhiệm về Kết luận thanh tra, sớm công bố Kết luận thanh tra theo quy định của pháp luật. Các cơ quan có trách nhiệm khẩn trương xem xét, xử lý vụ việc bảo đảm khách quan, chính xác theo quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước với tinh thần kiên quyết, chặt chẽ, làm rõ đến đâu xử lý đến đó, đúng người, đúng vi phạm, đúng pháp luật và thu hồi tài sản Nhà nước bị thất thoát.

Những câu hỏi trong việc Mobifone mua 95% cổ phần AVG

Việc Mobifone mua 95% cổ phần của đài truyền hình AVG với số tiền 8.900 tỷ đồng đã vi phạm nghiêm trọng quy định đầu tư xây dựng cơ bản của Nhà nước. Theo quy định, với các tài sản cố định có giá trị lớn, doanh nghiệp Nhà nước phải lập dự án nhóm A để trình Thủ tướng phê duyệt. Tuy nhiên, trong thực tế, Mobifone đã không lập dự án nhóm A để trình Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính thẩm định mức giá mua bán để trình Thủ tướng phê duyệt mà việc mua bán này chỉ dựa vào văn bản phê duyệt chủ trương chung chung (không phê duyệt giá trị mua bán).
Tại thời điểm Mobifone ký mua AVG (tháng 12/2015), công ty AVG đã thua lỗ hơn 50% vốn điều lệ, số lượng thuê bao truyền hình ít ỏi, chỉ 700 nghìn thuê bao thực, chiếm 6% thị phần thuê bao truyền hình trả tiền. Đặc biệt, tổng tài sản của AVG vào khoảng 3.000 tỷ, trong đó: tài sản cố định của phần truyền hình chỉ khoảng 800 tỷ đồng, hơn 2.000 tỷ đồng còn lại là khoản đầu tư dài hạn của AVG tại hai công ty con làm resort và khai khoáng. Dù biết vậy, Mobifone vẫn quyết định để “dốc túi” 8.900 tỷ đồng (bằng 2/3 tổng vốn điều lệ của Mobifone) để mua đài truyền hình AVG quặt quẹo và đang thua lỗ.
Câu hỏi đặt ra là tại sao khi AVG đã bị thua lỗ và bị rút ruột gần hết vốn, lại được Mobifone mua với mức giá cao gấp 15 lần giá trị tài sản cố định (của mảng truyền hình)? Đây là điều hết sức bất bình thường. Với một công ty làm ăn bết bát như vậy, các băng tần 700 MHz lại phải trả lại cho Nhà nước vào năm 2017 (như quy định của pháp luật) thì giá trị doanh nghiệp của AVG không quá 3.000 tỷ đồng ở thời điểm năm 2015.
Như vậy, là số tiền gần 6.000 tỷ đồng chênh lệch từ vụ mua bán AVG đã và đang nằm ở những túi ai?
Diệp Hoa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *