DIỆN MẠO KINH TẾ VIỆT NAM TRONG KỶ NGUYÊN CPTPP

Các nước thành viên CPTPP tại lễ ký kết hiệp định ngày 8/3 tại Santiago, Chile. Ảnh: Reuters 

“CPTPP là hiệp định đáng cân nhắc sẽ bổ sung động lực cho mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư và xuất khẩu của Việt Nam” – Ngân hàng Thế giới nhận định.

Ngày 23/1/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký quyết định chính thức rút khỏi Hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP). Số phận của hiệp định thương mại đầy tham vọng này trở nên mờ mịt hơn với nhiều những đồn đoán – chủ yếu là sự tan rã của 11 nước thành viên còn lại.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khi đó còn nhận định: “TPP sẽ chả còn ý nghĩa gì nữa nếu không có Mỹ.”

Thế nhưng hơn một năm kể từ khi Mỹ “bỏ cuộc chơi”, tại APEC Việt Nam 2017, Nhật Bản và 10 nước thành viên còn lại đã hoàn tất quá trình tái đàm phán và cho ra một thỏa thuận làm hài lòng thành viên: TPP-11, tháng 11/2017 được đổi tên thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

7 năm, 40 vòng đàm phán, thành viên tham gia “người thoái lui, người vắng mặt trong đàm phán”, hiệp định thương mại được cho là trắc trở và khó đoán nhất lịch sử này cuối cùng cũng đã có kết quả “viên mãn”. Thỏa thuận giữa 11 nước thành viên đã được ký tại Chile ngày 8/3 vừa qua (rạng sáng 9/3 giờ Việt Nam).

Và hơn hết, CPTPP được coi là thỏa thuận lớn và tham vọng đối với Việt Nam, có ý nghĩa quan trọng với nền kinh tế, việc làm và mức sống tương lai.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh tại lễ ký kết hiệp định CPTPP, ngày 8/3/2018, tại Santiago, Chile. Ảnh: Reuters

“Hiệp định CPTPP sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho Việt Nam nhờ tự do hóa thương mại và tăng cường tiếp cận thị trường,” ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhận định trong báo cáo “Tác động kinh tế và phân bổ thu nhập của Hiệp định TPP: Trường hợp” Việt Nam được công bố vào ngày 9/3 tại Hà Nội.

“Quan trọng nhất là nó (Hiệp định CPTPP-PV) sẽ thúc đẩy và tăng tốc quá trình cải cách trong nước trong nhiều lĩnh vực khác nhau,” ông Sebastian Eckardt nhấn mạnh.

“Việt Nam là quốc gia có thể được lợi nhiều nhất từ TPP,” rất nhiều chuyên gia đã nhận định như vậy khi TPP vẫn còn đang trong quá trình đàm phán thời tổng thống Mỹ Barrack Obama còn đương nhiệm.

Thiếu cường quốc Hoa Kỳ, quy mô cũng như sức hấp dẫn của của CPTPP có phần khiêm tốn hơn “tiền thân” TPP nhưng không vì thế mà những lợi ích hiệp định thương mại này mang lại cho Việt Nam bị giảm thiểu.

“CPTPP là hiệp định đáng cân nhắc sẽ bổ sung động lực cho mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư và xuất khẩu của Việt Nam, cho dù không có Mỹ”, WB khẳng định.

Nguồn News Zing

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *