Đạo làm tướng” trong tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng công tác bồi dưỡng, đào tạo và sử dụng đội ngũ cán bộ cách mạng, trong đó có đội ngũ sĩ quan quân đội. Theo Người thì “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”; “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”.

Trong đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ cần phải chú trọng cả đức lẫn tài; đức – tài phải đi đôi với nhau. Hồ Chí Minh cho rằng: “có tài phải có đức, có tài không có đức tham ô, hủ hoá có hại cho nước”.

Huấn thị tại Hội nghị quân sự lần thứ 5 (tháng 8-1948), khi đề cập đến đức của người sĩ quan quân đội, Người yêu cầu phải hội đủ các tố chất Trí, Dũng, Nhân, Tín, Liêm, Trung. Những yêu cầu đó xuất phát từ thực tế khách quan và hoàn toàn phù hợp với quy luật xây dựng và bản chất của quân đội kiểu mới – một quân đội của dân, do dân và vì dân.

Trước hết bàn về đức Trung. Trung – Hiếu vốn là một chuẩn mực đạo đức trong xã hội phong kiến. Hồ Chí Minh là người đã phát triển khái niệm Trung – Hiếu lên một tầm cao mới, thổi những nội dung mới vào quan niệm Trung – Hiếu cổ truyền. Đức Trung trong tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh được hiểu không có nghĩa là trung thành tuyệt đối với một cá nhân con người cụ thể nào đó, mà là phải có trách nhiệm chính trị và nghĩa vụ với vận mệnh của cả đất nước, dân tộc, của cả quân đội. Người tướng trong Quân đội nhân dân Việt Nam trước hết phải là những người có giác ngộ chính trị, suốt đời vì nước vì dân; trung thành vô hạn với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Không phải ngẫu nhiên mà bổn phận “trung với nước, hiếu với dân” được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc đi, nhắc lại nhiều lần. Đó là trong Sắc lệnh xác định Vệ quốc đoàn là Quân đội quốc gia của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; là dòng chữ thêu trên lá cờ Bác tặng học viên Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn nhân lễ khai giảng khoá 1 của nhà trường (năm 1946); rồi trong thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn (khoá IV) (tháng 5-1948). Tại buổi lễ mừng Quân đội nhân dân Việt Nam tròn 20 tuổi (tháng 12-1964), thêm một lần nữa Người lại căn dặn phải “trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân”. Đức Trung chính là tiêu chí phẩm chất đạo đức hàng đầu quyết định bản chất cách mạng của một vị tướng trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

Là người đứng mũi chịu sào, chịu trách nhiệm trong việc cụ thể hóa đường lối chiến tranh nhân dân và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân của Đảng, vị tướng trong quân đội, trước hết phải hoàn thành được chức trách, nhiệm vụ trên cương vị công tác của mình; có tính quyết đoán và dám chịu trách nhiệm; có tinh thần dám đánh và biết cách đánh thắng quân thù. Xuất phát từ bản chất của một quân đội cách mạng kiểu mới, đức Trung phải là sự tổng hòa của “tận trung với nước” gắn với “tận hiếu với dân”. Chữ “Hiếu” trong tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh được hiểu theo nghĩa rộng, tức là phải biết kính trọng dân, thương yêu dân, giúp đỡ dân… chứ không chỉ bó hẹp trong phạm trù quan hệ gia đình theo quan niệm Nho giáo truyền thống.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng cho rằng làm người tướng một lòng đi theo Đảng, theo cách mạng, nhưng không đánh thắng được địch, tri thức hạn chế, cùn mòn không được bổ sung, vô tổ chức, vô kỷ luật, bè phái, cục bộ, mang nặng tư tưởng hẹp hòi, ưa xu nịnh, ghét ngay thẳng… thì không thể gọi là có đức Trung.

Theo Hồ Chí Minh thì ở một vị tướng ngoài đòi hỏi về đức Trung ra còn cần phải có Trí.

Đức “Trí”, theo Người tức là phải có đầu óc sáng suốt để nhìn mọi việc”, phải biết “hoá chỉnh vi linh” (tức là biết phân tán lực lượng), “biết hoá linh vi chỉnh” (tức là biết tập trung lực lượng). Hay nói một cách khác, người sĩ quan cần phải có mưu lược, có trí sáng tạo; có phương pháp phân tích, phán đoán tình hình một cách khoa học, chính xác. Đây là một yêu cầu không thể thiếu và là thước đo bản lĩnh, tài năng của một người cầm quân.

Chiến tranh là một cuộc huy động sức mạnh tổng lực của các bên tham chiến; đó không chỉ là một cuộc đấu lực đơn thuần mà còn là một cuộc đấu trí căng thẳng giữa các bộ thống soái, giữa các nhà cầm quân mà phần thắng bao giờ cũng thuộc về bên nào nắm vững và hành động theo đúng quy luật nhất. Chiến tranh càng phát triển thì yêu cầu nắm vững tri thức quân sự ngày càng cao. Người làm tướng phải là người có mưu lược, hiểu địch, hiểu mình; biết phân tích thiên thời – địa lợi – nhân hoà; biết lấy ít thắng nhiều, lấy chất lượng cao thắng số lượng đông; biết phát huy sở trường, sở đoản của quân mình, hạn chế chỗ mạnh, khoét sâu chỗ yếu của quân địch; biết tạo ra và phát huy sức mạnh tổng hợp để đánh thắng quân thù…

Đường lối quân sự của Đảng và nghệ thuật quân sự Việt Nam là một hệ thống tri thức rộng lớn và sâu sắc bao gồm những vấn đề về bạo lực cách mạng, khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng, về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng hậu phương chiến tranh, xây dựng nền quốc phòng toàn dân…; về nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh (chiến lược, chiến dịch, chiến thuật)… Là tướng thì phải có được “vốn liếng” nhất định về hệ thống tri thức đó; phải biết chuyển hoá tri thức thành tài thao lược của người lãnh đạo, chỉ huy, mà người đó ở cương vị càng cao thì trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, trước bộ đội càng lớn.

Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Trong tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh thì tư tưởng chiến lược tiến công là một trong những nội dung quan trọng. Không phải ngẫu nhiên mà trong “đạo làm tướng”, Người nhấn mạnh đến đức Dũng. Dũng là đức tính hàng đầu của một người vị tướng và là biểu hiện cao nhất của sự giác ngộ chính trị về mục tiêu chiến đấu; là biểu hiện quyết tâm chiến đấu đến thắng lợi cuối cùng của một người cầm quân cũng như của một người quân nhân cách mạng. Theo Người, Dũng tức là phải có quyết tâm chiến đấu, có tinh thần kiên quyết tiến công địch, có ý chí quyết chiến, quyết thắng, có tinh thần sẵn sàng hy sinh, dám đánh dám làm, dám chịu trách nhiệm. Xông pha nơi lửa đạn, người cầm quân phải biết làm sao để thắng được địch mà bộ đội ít phải đổ máu. Thực tiễn trong chiến tranh cho thấy người chỉ huy có đức Dũng thì mới có đủ bình tĩnh để suy xét, phán đoán chính xác các tình huống; qua đó kịp thời đưa ra được cách xử lý sáng suốt. Ngược lại, người chỉ huy rụt rè, nhút nhát thường dẫn đến thất bại và tốn xương máu của bộ đội.

Đức “Dũng” trong tư tưởng quân sự của Người còn là dũng khí tiến công, là “kiên quyết không ngừng thế tiến công”; là biết trường kỳ kháng chiến, đồng thời biết tạo ra và chớp thời cơ chỉ huy bộ đội đánh những trận quyết chiến chiến lược để giành thắng lợi quyết định.

Đức “Dũng” được hiểu là trên cơ sở giác ngộ chính trị với một tinh thần dám dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng chứ không phải là hành động mù quáng theo kiểu “lửa rơm” vì động cơ cá nhân. Người có đức “Dũng” phải là người có gan dám chịu trách nhiệm trước công việc, trước cấp trên, trước sinh mệnh của bộ đội; gặp khó khăn có gan chấp nhận, thấy khuyết điểm dám nhận và sửa chữa; khó khăn, gian khổ dám đương đầu chịu đựng; trước cám dỗ có đủ bản lĩnh lảng tránh… Hồ Chí Minh chỉ rõ “Trí, Dũng” song toàn là hai phẩm chất đặc biệt cần thiết của một người làm tướng. “Trí là phải có óc sáng suốt để nhìn mọi việc, để suy xét địch cho đúng… Dũng là không được nhút nhát, phải can đảm, dám làm những việc đáng làm, dám đánh những trận đáng đánh”.

Trong các truyền thống đạo đức của dân tộc mà Hồ Chí Minh kế thừa, phát triển đều lấy chữ Nhân làm gốc. Bàn về “đạo làm tướng”, Người cho rằng Nhân là phải có lòng bác ái, yêu nước, yêu đồng bào, yêu bộ đội của mình. Giải thích đức Nhân trong “đạo làm tướng”, Hồ Chí Minh khái quát: “NHÂN là thật thà thương yêu, hết lòng giúp đỡ đồng chí và đồng bào. Vì thế mà kiên quyết chống lại những người, những việc có hại đến Đảng, đến nhân dân. Vì thế mà sẵn lòng chịu cực khổ trước mọi người, hưởng hạnh phúc sau thiên hạ. Vì thế mà không ham giàu sang, không e cực khổ, không sợ oai quyền. Những người đã không ham, không e, không sợ gì thì việc gì là việc phải họ đều làm được”.

Bác Hồ và đồng chí Trần Canh trong chiến dịch Biên giới 1950

Theo Người thì trong đức Nhân phải bao hàm cả đức Dũng; hay nói cách khác là đức Dũng phát triển trên nền tảng của đức Nhân. Bởi vậy cho nên người làm tướng cần phải biết quý trọng sinh mệnh của cán bộ và chiến sĩ, suy cho cùng cũng tức là quý trọng sinh mệnh của người dân. Không phải ngẫu nhiên mà tại buổi lễ phong tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam (1948), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn các tân tướng quân bằng câu thơ Đường nổi tiếng: Nhất tướng công thành vạn cốt khô. Đức Nhân của người sĩ quan quân đội được biểu hiện qua những mối quan hệ chủ yếu: với nhân dân, với bộ đội, với kẻ địch và với chính bản thân.

Với nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Đối với dân chúng, phải thân cận, phải giúp đỡ mọi việc, phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu”. Khi đến thăm Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn (tháng 5-1946), Người căn dặn: “Mong rằng anh em ở đây, bao giờ cũng phải làm theo hai khẩu hiệu mà nó là cái mục đích của anh em: Trung với nước, hiếu với dân”.

Đức Nhân trong đạo làm tướng đã được các bậc tiền nhân xác định: “Nhân thì yêu dân… Trọng Nhân cũng tức là trọng dân”. Phát huy tinh thần ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn người sĩ quan quân đội “Phải biết trọng nhân dân… Biết giúp đỡ nhân dân cũng là biết tôn trọng dân”.

Trong đức Nhân của “đạo làm tướng” đã bao hàm cả yếu tố nhân hoà và hoà mục. Từ mối quan hệ giữa nước với dân là “nước lấy dân làm gốc”, Hồ Chí Minh đã nhiều lần chỉ rõ rằng trong mối quan hệ giữa quân và dân, giữa tướng và sĩ thì nhân hoà là đạo lý có ý nghĩa quyết định hơn hết của mọi thắng lợi. Người chỉ rõ: “… muốn thành công phải có ba điều kiện là: thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Ba điều kiện ấy đều quan trọng cả. Nhưng thiên thời không quan trọng bằng địa lợi, mà địa lợi không quan trọng bằng nhân hòa”.

Trong đức Nhân của “đạo làm tướng”, Hồ Chí Minh còn chỉ rõ là phải biết đánh giặc với một hậu phương chiến lược vững mạnh, một căn cứ địa cách mạng được xây dựng bằng sức mạnh của “nhân sơn”, “nhân hải”.

Với bộ đội, đức Nhân trong “đạo làm tướng” được xác định trên cơ sở bình đẳng về chính trị giữa cấp trên và cấp dưới. Đức Nhân ở đây được biểu hiện ở tinh thần đoàn kết, thương yêu bộ đội, đồng cam cộng khổ, chia sẻ ngọt bùi với chiến sĩ, làm cho trên dưới một lòng. Trong binh thư xưa của tiền nhân đã từng chỉ rõ rằng: Trong quân có người ốm, tướng phải lo cứu chữa; trong quân có người chết, tướng phải biết thương khóc; trong quân có người đi thú ở nơi xa, tướng phải sai vợ con mình đến hỏi thăm… Chứ nếu ngược lại tướng soái mà coi quân sĩ như cỏ rác thì quân sĩ ắt coi tướng soái như cừu thù, cầu họ làm bộ hạ cũng khó, còn mong gì họ gắng sức liều chết để đánh kẻ địch. Kế thừa và phát huy tinh thần ấy, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Cán bộ phải thương yêu đội viên. Đối với anh em ốm yếu, thương tật, cán bộ phải trông nom, thăm hỏi. Người đội trưởng, người chính trị viên phải là người anh, người chị, người bạn của đội viên. Chưa làm được như vậy là chưa hết nhiệm vụ. Cán bộ có thân đội viên như chân tay, thì đội viên mới thân bộ đội như ruột thịt”. Hồ Chí Minh tỏ ra rất nghiêm khắc: “Cái đầu óc “ông tướng, bà tướng”… làm cho cấp trên xa cấp dưới, Đoàn thể xa nhân dân”.

Đối với kẻ địch, Nhân là biết thắng địch bằng nhân nghĩa, “biết khoan dung đối với kẻ địch đã đầu hàng”. Tư tưởng nhân nghĩa được kết tinh từ truyền thống nhân nghĩa trong chống giặc ngoại xâm của cha ông ta trên tinh thần “không vì tư thù, tư oán”. Tư tưởng đó là cẩm nang quan trọng của công tác binh địch vận; nó vừa là chiến lược, vừa là sách lược nhằm “phá được địch mà không phải đánh”, giành được thắng lợi mà không phải tiêu diệt đến tên địch cuối cùng.

Với chính mình, đã biết nhân hòa thì không kiêu căng. Cán bộ không được kiêu căng với chiến sĩ; kiêu căng ắt tạo ra kiêu binh. Đã coi trọng nhân hòa thì phải biết khiêm nhường, đức khiêm nhường và đức hy sinh đều là những biểu hiện cao cả của nhân hòa và dũng khí, bởi những kẻ khiếp nhược và đê tiện thì đâu dám hy sinh và khiêm nhường vì nhân dân để có thể hiếu với dân.

Theo Hồ Chí Minh thì cả đức Dũng và đức Nhân đều phải được xây dựng trên nền tảng của đức Tín. Đức Tín của một vị tướng được biểu hiện ở quan điểm, lập trường cách mạng; ở trình độ giác ngộ, trình độ nhận thức; ở lòng tin vào nhân dân, vào chính mình và tin vào cấp dưới, đồng thời phải làm cho bộ đội tin mình. Đó còn là lòng tin vào chiến thắng của một dân tộc tuy còn nghèo nàn, lạc hậu nhưng đã dám đương đầu với những kẻ thù có tiềm lực kinh tế, quân sự vượt trội hơn hẳn.

Trong điều kiện đất nước còn nghèo, Quân đội còn nhiều khó khăn, thiên tai địch họa lại xảy ra triền miên, bởi vậy mà trong “đạo làm tướng”, Bác Hồ rất quan tâm đến đức Liêm… Theo Người thì người tướng phải trong sáng, vô tư, phải công minh chính trực, chớ vì ưa ai thì thương, ghét ai thì phạt, “ai hẩu với mình thì dùng, ai trực tính nói ngay thì bỏ”.

Chủ nghĩa cá nhân là vật chướng ngại lớn nhất trên con đường rèn luyện để đạt tới đức Liêm của một người sĩ quan, vì vậy mà Bác dạy là chớ tham danh, tham quyền, tham lợi; chớ tham sống sợ chết, chớ tham của, tham sắc; phải có cuộc sống khiêm tốn, giản dị, trong sạch.

Người chỉ rõ, chỉ vì chủ nghĩa cá nhân mà sinh ra tham ô hủ hóa; chỉ vì chủ nghĩa cá nhân mà sinh ra vô kỷ luật, thiếu kiên quyết chấp hành mệnh lệnh. Nhiều người hẳn còn nhớ vụ án Cục trưởng Cục Quân nhu trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Bác Hồ đã phải trải qua nhiều “đêm thắng” trăn trở trước khi hạ bút ký vào bản án tử hình một sĩ quan cao cấp quân đội thoái hoá biến chất để giữ nghiêm kỷ cương phép nước, giữ nghiêm kỷ luật chiến trường của nhà binh. Đó âu cũng là vì để bảo vệ đức Liêm của người cán bộ cao cấp trong quân đội cách mạng.

TRÍ, DŨNG, NHÂN, TÍN, LIÊM, TRUNG tuy có nội dung khác nhau nhưng được hòa quyện vào nhau trên cơ sở lấy đức NHÂN làm nền tảng, nó tạo thành tố chất của người sĩ quan trong Quân đội nhân dân Việt Nam – một quân đội kiểu mới do Hồ Chí Minh sáng lập, rèn luyện và giáo dục. “Đạo làm tướng” trong tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh không phải là những điều cao xa, trừu tượng… mà là sự kế thừa, phát triển truyền thống và đạo lý của các bậc tiền nhân. “Đạo làm tướng” mà Bác Hồ dạy không dừng lại ở tư tưởng, ở ý chí, ở chỗ giữ cho cá nhân mình được trong sạch; mà phải trở thành hành động, trở thành phẩm chất năng lực của người sĩ quan, mà hình ảnh của người đó trong lòng bộ đội, trong lòng nhân dân là thước đo chân chính nhất. Thời nào cũng vậy, phấn đấu để được làm quan đã khó; giữ được các đức trong “đạo làm tướng” như Bác Hồ đã dạy lại càng khó hơn.

Trần Ngọc Long

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *