Tổng Bí thư Đỗ Mười (năm 1991). (Ảnh: TTXVN)

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười tên thật là Nguyễn Duy Cống, sinh ngày 2/2/1917, quê ở xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Đồng chí Đỗ Mười đã sớm tham gia hoạt động cách mạng và sớm trở thành đảng viên Đảng Cộng sản, được tôi luyện, trưởng thành qua các thời kỳ kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đồng chí Đỗ Mười đã đảm nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo quan trọng trong Đảng và chính quyền, từ Bí thư cấp ủy tại một số tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và Khu ủy kiêm Chủ tịch ủy ban Kháng chiến hành chính và Chính ủy Tư lệnh Liên Khu III; Bí thư Khu ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến và Chính ủy Tư lệnh Khu Tả Ngạn sông Hồng trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đến đứng đầu nhiều bộ, ngành, nhiều năm lãnh đạo Chính phủ và đảm nhiệm cương vị Tổng Bí thư của Đảng.

Hơn 80 năm hoạt động cách mạng liên tục, đồng chí Đỗ Mười – một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những cống hiến to lớn, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây và trong sự nghiệp đổi mới đất nước ngày nay.

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười trước khi đảm nhận vai trò lãnh đạo cao nhất của Đảng, đồng chí là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (1988-1991). Với trách nhiệm là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng rồi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đồng chí đã cùng với các cán bộ đi sâu đi sát cơ sở, nghiên cứu tìm tòi từ thực tiễn, đề xuất với Đảng và Chính phủ nhiều giải pháp sáng tạo trong lãnh đạo điều hành để thực hiện những bước quan trọng về phát huy dân chủ trong kinh tế, đổi mới kế hoạch hóa và hạch toán kinh doanh, khai thác mặt tích cực của thị trường, tạo điều kiện giải phóng sức sản xuất.

Khi ở cương vị này, dấu ấn quan trọng mà đồng chí để lại chính là việc lựa chọn thực hiện các biện pháp quyết liệt, táo bạo để đẩy lùi cơn sốt lạm phát lên tới ba con số. Bước chuyển ngoạn mục mà ngày nay vẫn luôn được nhắc lại là kiềm chế được lạm phát phi mã từ 774% năm 1986 xuống 34,7% năm 1989, 14% năm 1992. Chống lạm phát thành công, các tổ chức quốc tế đánh giá thành tựu của Việt Nam là kỳ diệu.

Những đóng góp, cống hiến to lớn của đồng chí Đỗ Mười cho đất nước thể hiện rõ nhất trên cương vị Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (tháng 6/1991), đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư, đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (tháng 6/1996) được bầu lại làm Tổng Bí thư.

Đảm nhiệm vai trò người lãnh đạo cao nhất của Đảng, đồng chí Ðỗ Mười chèo lái con thuyền cách mạng vào thời điểm đất nước ta đứng trước những thử thách hiểm nghèo. Một mặt là do hậu quả của khủng hoảng kinh tế – xã hội kéo dài nhiều năm, mặt khác, sự sụp đổ của Liên Xô và hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu đã tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế – xã hội nước ta.

Nhưng trong khó khăn, bản lĩnh nhà lãnh đạo được tôi luyện, trưởng thành từ thực tiễn cách mạng càng sáng ngời. Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ đoàn kết, thống nhất, lãnh đạo, chỉ đạo toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Ðồng chí đã có nhiều đóng góp, đề ra và chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp mang tầm chiến lược, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tiếp tục tạo nên sức chiến đấu mới cho Ðảng, từng bước đưa Cương lĩnh và Chiến lược vào cuộc sống, đưa nước ta ra khỏi khủng hoảng kinh tế – xã hội, tạo thế và lực mới, tiếp tục tiến lên đổi mới và hội nhập.

Đặc biệt, bước chuyển từ kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng XHCN đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo quốc gia. Nếu như trong giai đoạn đầu đổi mới (1986-1990) mức tăng trưởng GDP bình quân hàng năm chỉ đạt 4,4% thì giai đoạn 1991 – 1995, GDP bình quân đã tăng gấp đôi, đạt 8,2%/năm. Cùng với đó, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế – xã hội vào năm 1996, mở ra thời kỳ phát triển đầu tiên của nền kinh tế, đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã có những cống hiến rất quan trọng trong xây dựng hệ thống chính trị, củng cố xây dựng Đảng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Những chỉ đạo, đề xuất của đồng chí như “xây dựng Quy chế dân chủ ở cơ sở,” “phong tặng danh hiệu Nhà nước Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” vẫn còn nguyên giá trị chính trị – xã hội tiêu biểu, mang tính nhân văn sâu sắc.

Trong tiến trình xây dựng và đổi mới đất nước, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười cũng để lại nhiều dấu ấn nổi bật trong lĩnh vực ngoại giao. Đồng chí Đỗ Mười đã cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước chỉ đạo thực hiện chủ trương khôi phục và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước. Trong đó, nổi bật là hợp tác nhiều mặt với các nước; xóa bỏ thế bị bao vây, cấm vận và bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ; gia nhập ASEAN; khai thông quan hệ với các định chế tài chính quốc tế…Những thành tựu to lớn đó đã mở ra chương mới cho quan hệ đối ngoại Việt Nam, góp phần mở rộng quan hệ kinh tế và hợp tác nhiều mặt giữa nước ta với các nước, tạo tiền đề để nước ta chủ động, tích cực hội nhập khu vực và thế giới, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Những câu nói nổi tiếng của đồng chí nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười: “Đổi mới không đổi màu”, “Hội nhập không hòa tan”; “Xoá bỏ mặc cảm, xóa bỏ hận thù, khép lại quá khứ, nhìn về tương lai”, hoặc “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các nước trên thế giới”… đều xuất phát từ thực tế khi đồng chí tiếp xúc với đồng bào hoặc các nhà lãnh đạo, chính khách nước ngoài.

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười nói chuyện thân mật với nhân dân xã Lê Lợi,
huyện Thường Tín (Hà Tây cũ), ngày 1/11/1992. (Ảnh: Xuân Lâm/TTXVN)

Tháng 12-1997, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Ðảng lần thứ tư khóa VIII, đồng chí xin thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, thôi giữ chức Tổng Bí thư; được Ban Chấp hành Trung ương Ðảng suy tôn làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Ðảng đến năm 2000.

Sau này, dù không còn giữ trọng trách, đến khi tuổi đã cao, đồng chí vẫn luôn đau đáu suy nghĩ, lo toan những vấn đề của đất nước, của Ðảng. Đồng chí vẫn miệt mài nghiên cứu tài liệu, tìm hiểu những vấn đề mới của đất nước, về xây dựng Đảng; tâm huyết đề xuất với Đảng và Nhà nước về nhiều công việc quan trọng.

Hơn 80 năm hoạt động cách mạng, dù ở cương vị công tác nào, đồng chí Đỗ Mười cũng luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; giữ vững phẩm chất đạo đức cách mạng của người đảng viên cộng sản, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Với những công lao, đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc, đồng chí được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng; Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.

Ngoài những phần thưởng cao quí ấy, danh hiệu cao quý khác chính là sự ghi nhận, trân trọng trong lòng cán bộ, nhân dân về một nhà lãnh đạo hết lòng vì nước, vì dân, một tấm gương mẫu mực – cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.

Sinh – lão – bệnh – tử là quy luật của đời người. Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã trút hơi thở cuối cùng vào hồi 23 giờ 12 phút ngày 1 tháng 10 năm 2018 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Dẫu biết đồng chí đã ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng sự ra đi của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười vẫn để lại niềm tiếc thương sâu sắc đối với hàng chục triệu trái tim người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Tổ quốc và nhân dân, lịch sử mãi khắc ghi hình ảnh của nhà lãnh đạo, người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, gần gũi, trung kiên, nhiệt huyết cách mạng, tận tụy với Đảng, tận hiếu với dân.

Xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười! 

Xin vĩnh biệt nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười! !

Nguồn:  http://cpv.org.vn