Hoạt động Pháp Luân Công tại Quảng Bình và những hệ lụy

Pháp luân công hay “Pháp Luân Đại pháp” là một hình thức tập luyện khí công dưỡng sinh do Lý Hồng Chí (sinh năm 1951, ở Cát Lâm, Trung Quốc) sáng lập từ năm 1992. Được quảng bá là một môn khí công cải thiện sức khỏe, thậm chí trị được bách bệnh, Pháp luân công cóp nhặt nhiều thuật ngữ, điển tích, khái niệm của đạo Phật, lấy “chân, thiện, nhẫn” làm các yếu tố chủ đạo để truyền bá tầm ảnh hưởng. Từ khi thành lập, hoạt động của Pháp luân công ngày càng rời xa tôn chỉ, mục đích ban đầu, đã có nhiều hậu quả trái chiều từ hoạt động Pháp luân công, phi thực tế, phản khoa học, gây bức xúc dư luận và ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình ANTT.

Người dân tập luyện Pháp luân công

Pháp luân công xâm nhập trái phép vào Việt Nam từ năm 2000. Với sự hỗ trợ của các đối tượng ở nước ngoài, số đối tượng cầm đầu các điểm nhóm Pháp luân công trong nước đã tập trung đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phát tán tài liệu, lôi kéo người tham gia gây phức tạp tình hình ANTT tại nhiều địa phương, lợi dụng tình hình chính trị nhạy cảm liên quan chủ quyền biển đảo, sự cố ô nhiễm môi trường, các vấn đề tham nhũng… để tuyên truyền, kích động chống Đảng, chống Nhà nước. Năm 2014, Nguyễn Doãn Kiên cùng một số kẻ là học viên Pháp luân công đã tụ tập ở Quảng trường phía trước lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng băng rôn, biểu ngữ với những lời lẽ xuyên tạc thân thế và xúc phạm Chủ tịch Hồ Chí Minh, mang dây cáp ra tượng đài Lênin với ý đồ kéo đổ nhưng không thành công do đứt cáp, cầm búa tạ với mục đích đập phá Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng đã bị lực lượng Công an ngăn chặn kịp thời …

Tại Quảng Bình, Pháp luân công bắt đầu biết đến từ một đối tượng ở xã Quảng Hòa, TX. Ba Đồn tuyên truyền, giới thiệu cho một số người dân địa phương tham gia. Năm 2009 và 2010, một số “học viên” Pháp luân công Quảng Bình tham gia “pháp hội” ở Hà Nội và từ đó lan rộng ra nhiều địa phương. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có hàng trăm người tham gia, với hàng chục điểm nhóm tập luyện Pháp luân công, chủ yếu tập trung tại TX. Ba Đồn, TP. Đồng Hới và các huyện Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy, Tuyên Hóa. Thời gian qua, tại Quảng Bình, Pháp luân công có chiều hướng gia tăng về hoạt động, thu hút thêm nhiều người tham gia và có một số biểu hiện rõ về hành vi vi phạm pháp luật, gây mất ANTT, như: Tuyên truyền, lôi kéo, tổ chức nhiều người tập trung tại nơi công cộng để tập luyện Pháp luân công theo nhóm; in sao, lưu hành, tán phát trái phép các loại tài liệu (Sách, băng đĩa DVD, VCD,CD…) có nội dung liên quan Pháp luân công; giúp sức cho các đối tượng ngoại tỉnh tiến hành việc treo băng rôn tại TP. Đồng Hới có nội dung tuyên truyền, kích động; tổ chức các lớp tu luyện Pháp luân công, tổ chức nhóm họp, giao lưu, chia sẻ giữa các trường hợp tham gia Pháp luân công, quan hệ với các đối tượng Pháp luân công trong nước để giao nhận tài liệu và trao đổi hoạt động Pháp luân công.

Thực tế thấy rằng, nhiều người quá đam mê Pháp luân công mà bỏ bê công việc, gia đình. Nhiều người có bệnh chỉ tin và tham gia tập luyện Pháp luân công sẽ lành mà không đi chữa trị tại các cơ sở y tế, dẫn đến những hậu quả hết sức đáng tiếc. Tại Quảng Bình đã có 6 trường hợp theo tu luyện Pháp luân công nhưng không qua được bệnh tật và dẫn đến những cái chết đầy thương tâm khi quá cuồng tin vào cách chữa bách bệnh của Pháp luân công. Điển hình là 2 trường hợp tại xã Quảng Sơn, TX. Ba Đồn, anh Trần Đình T. (SN 1989), tham gia tập luyện Pháp luân công từ năm 2011, bị bệnh suy thận và bà Trương Thị K. (SN 1954), tham gia tập luyện Pháp luân công từ năm 2010, đều đã tử vong. Riêng bà K. tử vong khi đang trong tư thế ngồi thiền tập Pháp luân công.

Những người theo Pháp luân công còn động viên nhau rằng, đã theo Pháp luân công thì nên thực hiện “Tam thoái” (thoái đảng, thoái đoàn, thoái tổ chức chính trị xã hội) để khỏi bị cản trở và có điều kiện để theo tu luyện Pháp luân công, vì vậy nhiều người trở nên thờ ơ với các hoạt động của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở. Họ thần thánh hóa “sư phụ” Lý Hồng Chí hơn bố mẹ, con cái; đặt niềm tin tuyệt đối, coi đó là đấng cứu thế và thờ phụng bên cạnh bàn thờ tổ tiên, bỏ bê lao động, sản xuất, tạo ra nguy cơ xung đột với văn hoá truyền thống làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của nhiều gia đình.

Tính từ năm 2014 đến nay, các lực lượng chức năng tỉnh Quảng Bình đã phát hiện, đấu tranh xử lý 8 vụ việc về Pháp luân công, thu giữ nhiều tài liệu về Pháp luân công (trong đó có cả tài liệu nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta), xử lý hành chính 12 trường hợp. Qua quá trình đấu tranh, đa số các trường hợp đã nhận thấy rõ bản chất của Pháp luân công, tự nguyện giao nộp các tài liệu liên quan và cam kết từ bỏ. Đáng chú ý, vào chiều ngày 31-12-2017 và ngày 1-1-2018, đã có nhiều người (ở các tỉnh khác và các địa phương trong tỉnh, có sự tham gia của nhiều trường hợp cầm đầu, tích cực trong Pháp luân công ở Quảng Bình như L.A.N, L.X.T, H.Đ.A, T.N.D….), tụ tập tại Công viên Nhật Lệ (phường Đồng Mỹ, TP. Đồng Hới) với ý định tập luyện Pháp luân công, tổ chức thắp nến “tưởng niệm các nạn nhân bị mổ cướp nội tạng…” và thả bóng bay, đánh trống, dùng loa phát, nhằm tạo được sự chú ý của đông đảo người hiếu kỳ, phô trương thanh thế Pháp luân công để tiếp tục lợi dụng tình hình, phát tán tài liệu có nội dung nhạy cảm tuyên truyền trái pháp luật, làm ảnh hưởng đến mối quan hệ ngoại giao với các nước láng giềng, tạo ảnh hưởng xấu đến tình hình ANTT tại địa phương. Tuy nhiên các lực lượng chức năng đã ngăn chặn được hoạt động của các đối tượng Pháp luân công, bảo đảm được ANTT trên địa bàn.

Thiết nghĩ mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác và nhận rõ chân tướng, âm mưu của những đối tượng đang muốn tuyên truyền, phát triển Pháp luân công trên địa bàn tỉnh Quảng Bình để từ bỏ, đoạn tuyệt, không để các đối tượng xấu lợi dụng lôi kéo, kích động vi phạm pháp luật.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *