Huyền thoại của những huyền thoại

Năm 1958, mật vụ của chính quyền Sài Gòn bắt được một cán bộ cấp cao của Quân giải phóng. Người này có tên là Hai.

Lần đầu hỏi cung, ông Hai nói thẳng với viên sĩ quan hỏi cung: “Tôi bị bắt vào đây các ông có quyền hành hạ nhưng tôi sẽ không khai báo gì cả”. Sau nhiều lần hỏi cung chẳng được gì, mật vụ tức giận nên có lần đánh ông luôn 3 ngày liền. Vào ngày thứ 2, chuẩn bị đánh thì Hai xin phép cởi quần áo ra vì chỉ có một bộ sợ dính máu. Cởi xong đâu đấy đứng yên chịu đòn, không la hét hay rên rỉ. Hành động ấy khiến đám mật vụ cũng ngán nên đến ngày thứ 4 thì thôi.

Người tù này sau đó bị đưa ra Huế cho Đoàn công tác đặc biệt của Ngô Đình Cẩn tìm cách khai thác, vì thời gian trước cách làm của Cẩn đã “thu phục” được một số phần tử kháng chiến cũ. Hàng ngày, Cẩn cho những người đã chiêu hồi đến nói chuyện với người tù đó, lợi dụng phong trào cách mạng miền Nam đang gặp khó khăn và khoét vào những sai lầm trong cải cách ruộng đất ở miền Bắc để thuyết phục người tù này “bỏ Cộng sản về với Quốc gia”.

Nhưng lần nào cũng vậy, người tù ấy chỉ nhẹ nhàng phân tích, đập lại các lập luận một cách thuyết phục mà không hề mắng mỏ những kẻ chiêu hồi là phản bội. Xem ra cách làm của Cẩn cũng không có tác dụng với người này.

Hết cách, Cẩn phải gọi cho ông anh Ngô Đình Nhu, vốn có học thức và giỏi biện bác nhất nhà, ra Huế để tranh luận chính trị với người tù kia, hy vọng có thể thành công. Cuộc gặp được tổ chức ở tư dinh của Cẩn ở cửa Thuận An. Tham dự có Nhu, Cẩn cùng bộ hạ, ông Hai và một số tù chính trị.

Cuộc tranh luận diễn ra ở nhiều chủ đề. Từ sự chia cắt hai miền cho đến chế độ tốt xấu ra sao. Nhu lắt léo đổ cho việc chia cắt hai miền là thỏa thuận của Liên Xô và Mỹ hòng đưa cuộc chiến hiện tại sang cuộc đối đầu ý thức hệ. Với lập luận này, Nhu đã bịp được nhiều trí thức miền Nam. Nhưng rất tỉnh táo, ông Hai khẳng định nước Việt Nam là một dải từ Nam Quan đến mũi Cà Mau không gì chia cắt được.

Xoáy vào sai lầm cải cách ruộng đất, Ngô Đình Nhu muốn chứng minh chế độ chính trị miền Bắc không tốt như tuyên truyền. Đã bị giam vài năm và không được cập nhật thông tin nhưng ông Hai vẫn vững vàng phân tích: “Gia đình tôi là địa chủ nhưng tôi không chấp nhận nhà tôi có hàng chục mẫu trong khi nông dân không có ruộng đất. Tôi tán thành cải cách ruộng đất nhưng không tán thành đấu tố sai. Người ta làm ruộng là phải có ruộng đất. Nhưng tôi phản đối cách làm”.

Không chịu bị động, ông Hai cũng tấn công lại rằng họ Ngô chẳng có chút độc lập nào. Đến một lúc nào đó, nếu không nghe Mỹ thì sẽ bị nó loại trừ thôi.

Ông lập luận: “Ông Diệm vay tiền làm đập Đa Nhim, nhưng Mỹ không cho. Các ông vay, họ không cho vay, các ông phải xin họ mới cho. Họ không tin các ông. Các ông mua hàng dân dụng ở đâu cũng phải do cơ quan viện trợ Mỹ chỉ định. Ít nhất 10% hàng chở về cũng phải bằng tàu Mỹ. Các ông phụ thuộc Mỹ. Viện trợ Mỹ là cái thòng lọng. Khi nào các ông chống họ, không nghe họ thì họ thắt lại, các ông hết thở thôi”.

Khi biên bản cuộc tranh luận này được gửi lên Ngô Đình Diệm, ông ta nói: “Hai là Cộng sản ngoan cố nhưng nói nhiều điều phải suy nghĩ”.

Hai được thả ra trong tình hình rối ren sau đảo chính 1963. Ông tên thật là Trần Quốc Hương (người cầm gậy trong ảnh), chỉ huy trực tiếp của 4 điệp viên Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy, Phạm Ngọc Thảo, Phạm Xuân Ẩn.

Nguồn: Theo dòng Sử Việt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *