Cần có cái nhìn khách quan, toàn diện tình hình tôn giáo ở Việt Nam

Liên quan đến Báo cáo tự do Tôn giáo quốc tế năm 2019 do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố hôm 29/4/2019, trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 4/7/2019, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “…Báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã ghi nhận những thành tựu và tiến triển của Việt Nam trong công tác bảo đảm và thúc đẩy đời sống tôn giáo, tín ngưỡng. Trong thời gian qua, Việt Nam và Hoa Kỳ đã duy trì trao đổi thường xuyên nhằm thông tin cho nhau và tăng cường hiểu biết về các vấn đề quan tâm. Tuy nhiên, báo cáo vẫn còn một số đánh giá không khách quan dựa trên những thông tin sai lệch về Việt Nam. Việt Nam sẵn sàng hợp tác và đối thoại với Hoa Kỳ trong vấn đề này để thu hẹp khác biệt, thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau, vì lợi ích của nhân dân hai nước”.

Kết quả hình ảnh cho đại lễ vesak

Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak 2019

Trước đó, ngày 21/6/2019, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố bản phúc trình hàng năm về tình trạng tự do tôn giáo toàn cầu 2018, trong đó có phần về Việt Nam. Bản phúc trình chỉ trích Việt Nam vẫn tìm cách kiểm soát chặt chẽ các hoạt động tôn giáo, nhiều nhóm tôn giáo vẫn không được tự do hoạt động. Một điều rất dễ nhận thấy trong bản phúc trình về tình hình tôn giáo, trong phần liên quan đến Việt Nam do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố vẫn là cách làm “bổn cũ soạn lại”. Việc thu thập, sao chép lại thông tin chủ yếu trên mạng internet của các cá nhân và tổ chức thiếu thiện chí, thường xuyên hoạt động chống phá Việt Nam để đưa ra quan điểm đánh giá hết sức phiến diện, không đúng sự thật. Thậm chí bản phúc trình còn đánh giá một cách rất thiếu căn cứ rằng: “Vấn đề tự do tín ngưỡng và tôn giáo ở Việt Nam vẫn bị xuống cấp nghiêm trọng; Chính phủ Việt Nam tiếp tục đàn áp mọi tôn giáo, thường bắt giữ những người biểu tình ôn hòa để đòi hỏi tự do tín ngưỡng và tự do thờ phượng, trong đó có những nhà hoạt động cho tôn giáo và nhân quyền; nhiều tổ chức tôn giáo không được chính phủ công nhận và không được cấp giấy phép sinh hoạt…”.  Ngoài ra, trong nội dung bản phúc trình còn đưa ra kiến nghị “quen thuộc” vốn đã lỗi thời và thiếu thiện chí là “đưa Việt Nam vào danh sách CPC”. Qua đó có thể thấy, Bộ Ngoại giao Mỹ thu thập thông tin không chính thống, sai lệch, mang tính phiến diện, một chiều và thiếu sự tham chiếu, khảo sát tình hình thực tế để có cái nhìn và đánh giá một cách khách quan, toàn diện hơn tình hình tôn giáo tại Việt Nam

Việt Nam là một quốc gia đa tín ngưỡng, đa tôn giáo. Hàng năm, có hơn 8.800 lễ hội tôn giáo hoặc tín ngưỡng từ cấp quốc gia đến địa phương. Tín đồ các tôn giáo tự do thực hiện các nghi lễ tôn giáo, bày tỏ và thực hành đức tin tôn giáo của mình. Các lễ hội như Lễ Noel, hay Lễ Phật đản hàng năm không còn là lễ hội của Công giáo hay Phật giáo nữa mà đã trở thành lễ hội mang bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam. Đến nay, 95% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng, trong đó trên 24,3 triệu người là tín đồ của các tôn giáo khác nhau, chiếm 27% dân số; gần 53 ngàn chức sắc, 134 ngàn chức việc, 28 ngàn cơ sở thờ tự… .

Đáng chú ý, vào giữa tháng 5/2019, Việt Nam đã tổ chức rất thành công Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak 2019 với sự tham dự của hàng nghìn đại biểu quốc tế thuộc 570 phái đoàn quốc tế đến từ 112 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc, cùng hơn 20 đại sứ và đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Đó chính thực tế tiêu biểu, rõ ràng nhất minh chứng cho thành tựu về tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam.

Trong những năm qua, Việt Nam luôn nỗ lực không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo. Hiến pháp năm 2013 đã quy định quyền của công dân (Điều 24): “1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.

2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.

Đặc biệt việc Quốc hội thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Chính phủ ban hành các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo tạo hành lang pháp lý cơ bản cho các tổ chức cá nhân thực hiện trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật quy định.

Bởi vậy, dù có cái nhìn thiếu thiện chí và phiến diện, bóp méo đến đâu, luận điệu của những người soạn thảo bản Báo cáo trên cũng không thể phủ nhận được những thành tựu, tiến bộ vượt bậc và thực tế sống động về tự do tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam. Chính vì vậy, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng một lần nữa khẳng định: “Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của công dân”.

Từng là cựu thù trong chiến tranh, hai nước đã chuyển sang bình thường hóa quan hệ và phát triển quan hệ lên một tầm cao mới với khuôn khổ “Đối tác toàn diện”. Kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ và chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 12/7/1995 đến nay, quan hệ Việt Nam – Mỹ đã chuyển đổi thành công từ đối đầu sang bạn bè, và trở thành đối tác toàn diện từ chính trị – ngoại giao, kinh tế, giáo dục, khoa học– công nghệ, đến quốc phòng – an ninh; với động lực hợp tác ngày càng củng cố, mạnh mẽ hơn, các lĩnh vực hợp tác ngày càng sâu rộng, đa dạng, thực chất, hiệu quả và đảm bảo lợi ích hài hòa mang tầm quan trọng chiến lược của hai nước.

Kết quả hình ảnh cho tòa giám mục hà tĩnh

Văn phòng Tòa giám mục Giáo phận Hà Tĩnh

Vì vậy, để không làm ảnh hưởng tới mối quan hệ đang phát triển tốt đẹp đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cần có những nhìn nhận trung thực, khách quan, toàn diện tình hình ở Việt Nam, trong đó có vấn đề tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Muốn vậy không có con đường nào khác đó chính là hai bên thường xuyên duy trì việc gặp gỡ, đối thoại, trao đổi nhằm thông tin nhằm hạn chế những bất đồng, khác biệt như bà Lê Thị Thu Hằng phát biểu trước báo giới “Việt Nam sẵn sàng hợp tác và đối thoại với Hoa Kỳ trong vấn đề này để thu hẹp khác biệt, thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau, vì lợi ích nhân dân hai nước”.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *