TBT Nguyễn Phú Trọng và trận đánh công phá những ung nhọt của kinh tế nhà nước

“Lò” chống tham nhũng lại nóng hừng hực với việc, ông Lê Tấn Hùng bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về một loạt những sai phạm xảy ra từ nhiều năm nay tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI).

SAGRI nơi ông Lê Tấn Hùng làm TGĐ nhiều năm liền là một doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trực thuộc UBND TP.HCM. Nhờ lợi thế này, SAGRI được ưu ái giao hàng ngàn ha đất, trong đó có nhiều vị trí đất vàng mà những doanh nghiệp tư nhân không có cửa rờ tới. Kết quả thì sao?

Kết luận Thanh tra Thành phố cho thấy, chỉ trong khoảng thời gian từ 2004 đến 2017 đã có tới 18 lãnh đạo chủ chốt của đơn vị này dính tới tham ô tài sản và cố ý làm trái. Chưa hết, kết luận còn phơi bày, hầu hết hoạt động của đơn vị này đều có sai phạm, rải khắp các mảng từ đầu tư tài chính; chuyển nhượng dự án cho đến hợp tác đầu tư, mua sắm.

Những sai phạm nghiêm trọng phải kể đến việc SAGRI đã vay hàng trăm tỷ sử dụng sai mục đích, gây thua lỗ hàng chục tỷ đồng tiền Nhà nước. Chỉ với 3 khoản vay ngoại tệ 11,3 triệu Euro, SAGRI đã làm thất thoát tài sản Nhà nước gần 25 tỷ đồng vì bị lỗ chênh lệch tỷ giá; Rồi “xẻ thịt” gần 2.000 ha đất công; Chuyển nhượng đất vàng “giá bèo” gây thất thoát ngân sách khi đầu tư không hiệu quả; Ngoài ra, ông Lê Tấn Hùng liên quan trực tiếp chi khống 13 tỉ đồng cho cán bộ, người lao động đi học tập tại nước ngoài.

Chúng ta từng thấy một Công ty Tân Thuận với nhiều sai phạm nghiêm trọng là một đơn vị kinh tế của Thành Ủy T.HCM thì giờ đây chúng ta lại thấy thêm một Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn vung tay đốt tiền nhà nước được tích cóp từ những đồng tiền mồ hôi nước mắt của người dân. Rồi hàng loạt dự án đầu tư của DNNN không đạt hiệu quả kinh tế, không có khả năng thu hồi vốn, gây lãng phí, thất thoát lớn tài sản nhà nước chưa được khắc phục như 12 dự án đầu tư của các doanh nghiệp thuộc ngành công thương với số vốn trên 60.000 tỷ đồng: Vinashin, Giấy Phương Nam, Xơ sợi Đình Vũ, các dự án nhiên liệu sinh học, Nhà máy Đạm Ninh Bình, Nhà máy Đạm Hà Bắc, Nhà máy bột giấy Phương Nam, Nhà máy gang thép Thái Nguyên… Đó đích thị là những con sâu, con mọt.

Có ngẫu nhiên không khi tại Hội nghị Trung ương 10 vừa rồi, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lại đưa ra những phát biểu mang tính gợi mở về việc duy trì hay không thành phần kinh tế nhà nước. Là phóng viên (#Văn Dân) theo dõi thể chế kinh tế nhiều năm, tôi thật sự quan tâm đến phát biểu đầy trăn trở về phát triển các thành phần kinh tế của Tổng Bí thư. Bài phát biểu đúng như nhà báo Nhị Lê khẳng định là thể hiện “tầm nhìn chiến lược” và “nhìn tận chân trời để hoạch định bước đi cụ thể”.

Việc ông Lê Tấn Hùng, em trai cựu Bí thư Lê Thanh Hải bị bắt tiếp tục minh chứng rõ hơn quyết tâm đưa những kẻ tham ô, phá hoại đất nước ra trước pháp luật của Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Hơn thế nữa, những vụ việc tương tự còn cho thấy Bộ Chính trị đã không ngần ngại mổ xẻ những ung nhọt mưng mủ chỉ rõ căn bệnh nan y này đã di căn từ lâu trong thành phần kinh tế nhà nước. Nói như quyết tâm của Tổng Bí thư thì phải “cắt bỏ những ung nhọt trong”; “Bộ máy không cần những con người phá hoại”.

“Vết thương là nơi ánh sáng sẽ đi xuyên qua”. Súng lệnh của Tổng Bí thư đã khai hỏa, trận đánh công phá vào hang ổ, dinh lũy, những ung nhọt của thành phần kinh tế nhà nước hôm nay đã ở giai đoạn quyết liệt, gay go và chưa bao giờ dễ dàng. Những kẻ tham ô, vụ lợi biết rằng “lò đang nóng” và chúng sẽ không chịu khoanh tay ngồi chờ chết. Bởi chúng cũng thừa hiểu, tội của chúng to lắm. Vì chúng mà đạo đức chưa đủ thấu, đạo lý chưa đủ răn, liêm sỉ chưa đủ chuyển, thì dứt khoát cần phải “sát nhất nhân vạn nhân kỵ”.

Không phải ngẫu nhiên mà ngay sau khi thông tin về việc bắt Lê Tấn Hùng vừa được loan đi thì “nhanh như chớp” các “nhà dân chủ” xứ “man trá” như Bùi Thanh Hiếu, Phạm Chí Dũng, Thường Sơn đã buông những lời xàm báng rằng “Bí thư Nguyễn Thiện Nhân kết hợp với Thủ tướng và PTT Trương Hòa Bình để diệt đế chế nhà Lê Thanh Hải“. Đây phải chăng là hiện tượng mà ông Võ Văn Thưởng đã cảnh báo về những cái “bắt tay âm binh” vô cùng nguy hiểm của những cán bộ suy thoái với các Key Opinion Leader (những người có ảnh hưởng ở trên mạng xã hội) để bằng mọi cách công phá vào thành trì LÒNG TIN của toàn dân ta đối với công cuộc phòng chống tham nhũng. Biến công cuộc “đốt lò” từ một nhiệm vụ chính trị quan trọng trở thành một phương tiện “đấu đá” hòng lấp liếm đi những sai phạm của chúng.

Thực tế, trong cuộc chiến chống giặc nội xâm giữa thanh thiên bạch nhật này, nếu có chuyện thanh trừng, thì thứ giặc nội xâm, rác rưởi, sâu dân mọt nước chẳng đáng thanh trừng lắm sao!.

Văn Dân (Ngonco.net)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *