Quyết liệt chống tin giả

Theo cơ quan chức năng, nhiều thế lực, đối tượng phản động lợi dụng thời gian cao điểm chống dịch hiện nay để thực hiện các hoạt động gây nhiễu loạn thông tin phòng chống dịch của Việt Nam, công tác phòng chống “virus” không gian mạng vì vậy đóng vai trò hết sức quan trọng.

Một trường hợp tung tin sai sự thật bị xử phạt hành chính. Ảnh: Cục A05 cung cấp

Một trường hợp tung tin sai sự thật bị xử phạt hành chính. Ảnh: Cục A05 cung cấp

Dấu hiệu nhận biết thông tin xấu, độc

Theo Thượng tá Nguyễn Thành Lợi (Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – A05, Bộ Công an), lợi dụng diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các thế lực thù địch, đối tượng chống đối, phản động, một số người dân thiếu nhận thức… thời gian qua đã đăng tải, phát tán nhiều thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc tình hình dịch bệnh tại Việt Nam; công kích lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Y tế và chính quyền các cấp trong việc đối phó với bệnh dịch; bịa đặt các cơ quan chức năng che giấu thông tin, gây hoang mang trong nhân dân, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự.

Cũng theo lãnh đạo Cục A05, bên cạnh các phương thức trên, các đối tượng còn lập nhiều trang mạng xã hội, lập nhiều hội nhóm cả công khai lẫn riêng tư để chia sẻ, phát tán thông tin; hoặc dẫn người đọc về các trang thông tin có nội dung xuyên tạc. Các đối tượng còn thông qua các hãng thông tấn có hoạt động chống Việt Nam và một số tổ chức phản động để kêu gọi biểu tình, chống đối.

Trước diễn biến phức tạp của các đối tượng, tổ chức phản động, cơ hội, Bộ Công an trong đó có Cục A05 đã triển khai các lực lượng, biện pháp, phối hợp chặt chẽ với Bộ TT-TT và các cơ quan liên quan, nắm sát diễn biến tình hình, nhanh chóng xác minh, làm rõ các trường hợp đăng tải thông tin sai sự thật để xử lý. Đến nay, Bộ Công an đã xác minh làm rõ và triệu tập hơn 800 đối tượng, tiến hành xử phạt vi phạm hành chính hơn 200 trường hợp tung tin sai sự thật, xử lý hơn 200 cơ sở kinh doanh thiết bị, vật tư y tế lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng, nâng giá nhằm trục lợi cá nhân. Bên cạnh đó, Cục A05 đã trao đổi, phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ Facebook, Google gỡ bỏ hàng trăm liên kết chứa thông tin giả, sai sự thật về dịch bệnh tại Việt Nam; khuyến nghị mọi người không chia sẻ, tán phát các thông tin giả, sai sự thật, không kiểm chứng về tình hình dịch Covid-19.

Xử lý nghiêm, dứt điểm 

Thượng tá Nguyễn Thành Lợi nhấn mạnh: “Những thông tin xấu, độc trên mạng có tác động, ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến đời sống thực. Trước tiên, nó gây nên hiện tượng nhiễu loạn thông tin, làm cho người dân không biết đâu là thông tin thật, đâu là thông tin giả để thực hiện cho chính xác. Việc này tác động, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh của Chính phủ cũng như các bộ, ngành và chính quyền các cấp đang nỗ lực thực hiện. Đặc biệt, những thông tin sai sự thật này có thể gây ra tâm lý hoang mang, gây xáo trộn trong cuộc sống, ảnh hưởng đến an ninh trật tự trong xã hội”.

Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP Hà Nội), đây là giai đoạn quan trọng trong việc kiểm soát, phòng chống dịch Covid-19, chính vì vậy người tham gia vào không gian mạng cần thận trọng, bình tĩnh khi tiếp cận, chia sẻ thông tin liên quan. Việc xử lý nghiêm khắc các đối tượng tung tin xấu, độc, lợi dụng dịch bệnh để tuyên truyền, chống phá sẽ góp phần duy trì sự ổn định xã hội, giúp cho công tác phòng chống dịch đạt hiệu quả cao nhất. Theo luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn luật sư TPHCM), theo Bộ luật Hình sự, người tung tin sai sự thật có tính chất vu khống có thể bị phạt từ 3 tháng đến 7 năm tù.

Luật sư Hoàng Tùng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nhận định, thời gian tới các hành vi chống đối, tung tin xấu, độc có thể vẫn diễn ra với hình thức tinh vi hơn, khéo léo hơn. Do vậy, cùng với việc xử lý nghiêm khắc thì người dân cần biết tiếp cận thông tin chính thống, thông báo cơ quan chức năng khi phát hiện các đối tượng tung tin giả, độc: “Chống dịch không có nghĩa chỉ đơn thuần là đẩy lùi bệnh dịch, mà còn mang trong đó cả kiến thức, giáo dục ý thức người dân, xử lý vi phạm”, luật sư Hoàng Tùng chia sẻ.

Sáng 26-3, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin, TPHCM sẽ bị phong tỏa do dịch Covid-19 từ ngày 28-3, gây tâm lý hoang mang trong dư luận. Ngay sau đó, UBND TPHCM đã khẳng định, thông tin trên là hoàn toàn bịa đặt. Hiện thành phố đang tập trung tổng lực để phòng chống dịch Covid-19. UBND TPHCM yêu cầu người dân không lan truyền các thông tin không kiểm chứng, sai sự thật mà theo dõi, cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố trên những kênh thông tin chính thống.

UBND TPHCM giao Sở TT-TT phối hợp với Công an thành phố xác minh, làm rõ và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức lan truyền thông tin không kiểm chứng, sai sự thật, ảnh hưởng đến công tác điều hành phòng chống dịch Covid-19 của TPHCM.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *