CẢNH GIÁC VỚI LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC CUỘC ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, SUY THOÁI Ở VIỆT NAM

Trong khi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang chủ động và tích cực đưa các nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, nhất là sau khi Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng được tổ chức ngày 25/6/2018 thì các đối tượng xấu đã núp dưới chiêu bài dân chủ, nhân quyền lại càng ra sức chống phá. Một trong những vấn đề mà chúng tập trung xuyên tạc là quyết tâm chống tham nhũng, suy thoái của Đảng ta với những luận điệu như: đang có sự thỏa thuận ngầm về mức độ và đối tượng chống tham nhũng, suy thoái; chống tham nhũng suy thoái chỉ là cái cớ để các phe phái của Đảng Cộng sản Việt Nam mặc cả quyền lực, kiềm chế, loại bỏ lẫn nhau; Đảng Cộng sản Việt Nam không thể đấu tranh chống tham nhũng, suy thoái thành công; tham nhũng là sản phẩm tất yếu của chế độ công hữu tư liệu sản xuất, chuyên chế độc đảng; tham nhũng là vấn đề thuộc bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

1. Từ nội dung của những luận điệu phản động, xuyên tạc cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, suy thoái của Đảng, Nhà nước ta, có thể nhận thấy động cơ và mục đích của các luận điệu này:

Thứ nhất, gây hoài nghi trong quần chúng nhân dân, hạ uy tín của Đảng, tiến tới phủ nhận vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội, từ đó xóa bỏ hoàn toàn chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Hiện nay, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, suy thoái là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, cấp bách do Đảng ta tổ chức và lãnh đạo. Tham nhũng, suy thoái đã và đang là vấn đề gây nhiều bức xúc trong xã hội, “làm giảm sút vai trò lãn đạo của Đảng; làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”. Trong khi Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang có khí thế và quyết tâm chính trị cao với nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức đấu tranh nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng, suy thoái thì các thế lực thù địch lại đưa ra những luận điệu sai trái, thù địch, xuyên tạc về cuộc đấu tranh này. Có thể khẳng định, mục đích của chúng là nhằm phá vỡ niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa; đối với đường lối, quan điểm, chủ trương nhất quán và quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, suy thoái ở Việt Nam hiện nay.

Thứ hai, chống phá quyết tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta nhằm làm cho tình trạng tham nhũng, suy thoái tiếp tục diễn tiến và hệ quả là nền kinh tế Việt Nam bị rơi vào tình trạng kiệt quệ, khủng hoảng. Luận điệu cho rằng, Đảng ta không thể thành công trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, suy thoái, một mặt nhằm kích động, xúi giục, lôi kéo, hỗ trợ các phần tử phản động, bất mãn, cơ hội chính trị tăng cường các hoạt động chống phá dưới chiêu bài lợi dụng dân chủ, nhân quyền, tự do ngôn luận để gây hoang mang, hoài nghi trong nhân dân; mặt khác, tác động làm lung lạc tư tưởng chính trị, mất phương hướng trong cán bộ, đảng viên tiếp tục rơi vào tình trạng tham nhũng, suy thoái trầm trọng hơn, thúc đẩy Việt Nam nhanh chóng lâm vào khủng hoảng toàn diện cả về kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội, góp phần đẩy nhanh “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, tăng thêm nguy cơ tự sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đã và đang dày công xây dựng.

Thứ ba, làm suy yếu sức mạnh chính trị, tinh thần của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực tiễn quá trình lãnh đạo và tổ chức hiện thực hóa sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhà nước ta cho thấy, trong các thời kỳ cách mạng, các thế lực thù địch luôn sử dụng mọi thủ đoạn để chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta hòng làm suy yếu sức mạnh chính trị, tinh thần của Đảng, của quân và dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng nói riêng. Đây là phương thức phổ biến, thường xuyên mà các thế lực thù địch sử dụng để thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” đối với cách mạng Việt Nam.

Từ động cơ và mục đích thực sự ẩn sau các luận điệu này sẽ cho thấy chủ thể của các luận điệu là ai. Có thể chỉ ngay ra rằng, ngoài chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch, còn có các phần từ cơ hội chính trị, phản động, bất mãn ở trong và ngoài nước, cùng những người bị mua chuộc, lôi kéo, kích động, xúi giục. Bên cạnh đó còn có cả những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đây là những cán bộ, đảng viên do thiếu tu dưỡng, rèn luyện; quan điểm, bản lĩnh, lập trường tư tưởng không kiên định, hoang mang, dao động trước những tác động đột biến từ bên ngoài, tính chiến đấu giảm sút, ý thức tổ chức kỷ luật kém; sa vào chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ, mua chuộc bởi lợi ích vật chất tầm thường, không làm tròn chức trách, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã tin cậy giao phó.

2. Có phải ở Việt Nam hiện nay đang có sự thỏa thuận ngầm về mức độ và đối tượng tham nhũng, suy thoái; chống tham nhũng, suy thoái chỉ là cái cớ để các phe phái trong Đảng Cộng sản Việt Nam mặc cả quyền lực, kiềm chế, loại bỏ lẫn nhau; Đảng Cộng sản Việt Nam không thể đấu tranh chống tham nhũng, suy thoái thành công…?! Phải khẳng định dứt khoát rằng, đây là những luận điệu hết sức sai trái, xuyên tạc sự thật cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam. Sở sĩ khẳng định như vậy là bởi:

Một là, tham nhũng, suy thoái là hiện tượng mang tính lịch sử – xã hội gắn liền với sự tồn tại của nhà nước. Trong đó, tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để vụ lợi. Quyền lực là yếu tố quyết định làm phát sinh hành vi tham nhũng, người có quyền lực thì mới có thể sử dụng quyền lực một cách bất chính để thu lợi. Còn suy thoái hàm chứa sự tha hóa quyền lực (quyền lực chính trị, quyền lực hành chính, quyền lực kinh tế, quyền lực tư pháp, quyền lực thông tin…) để đạt được mục đích là đem lại lợi ích cho cá nhân, hoặc nhóm lợi ích. Tham nhũng và suy thoái có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Tham nhũng là biểu hiện nghiêm trọng nhất của suy thoái vì nó gắn với quyền lực, tha hóa quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn trong bộ máy nhà nước, làm phương hại đến lợi ích cá nhân và xã hội.

Hai là, tham nhũng, suy thoái là vấn nạn toàn cầu mang tính phổ biến, không chỉ riêng có ở một quốc gia, vùng lãnh thổ nào, không phụ thuộc vào chế độ chính trị và trình độ phát triển. Tham nhũng, suy thoái tồn tại ở mọi chế độ có nhà nước vì nó luôn gắn với nhà nước và quyền lực. Khi còn tồn tại nhà nước và quyền lực nhà nước bị lạm dụng, hay bị biến dạng thì còn tồn tại tham nhũng, suy thoái. Điều đó có nghĩa, ở bất cứ chế độ xã hội nào, tham nhũng, suy thoái đều gắn với quyền lực bị thao túng, bị tha hóa. Đặt vấn đề như vậy để thấy rằng, sự tồn tại của tình trạng tham nhũng, suy thoái là hoàn toàn khách quan ở mọi chế độ chính trị, mọi quốc gia và vùng lãnh thổ. Tham nhũng, suy thoái là tình trạng chung của thế giới, chỉ khác là các nhà nước với chế độ chính trị và trình độ phát triển khác nhau sẽ có những cơ chế, biện pháp khác nhau để đấu tranh, ngăn chặn và kiểm soát sao cho đạt được hiệu quả mong muốn. Khi tham nhũng, suy thoái trở thành phổ biến, nghĩa là khi các loại quyền lực đã bị lạm dụng, bị biến dạng đến mức không còn là vai trò điều hòa lợi ích xã hội, thì sẽ làm mất đi sự ổn định chính trị, đe dọa an ninh quốc gia và sự tồn vong của mọi thể chế xã hội.

Để khẳng định tham nhũng, suy thoái là vấn nạn toàn cầu mang tính phổ biến, không chỉ riêng có ở một quốc gia, vùng lãnh thổ nào, không phụ thuộc vào chế độ chính trị và trình độ phát triển, xin dẫn ra một số minh chứng như sau: Ở Thái Lan, ngày 21/10/2008, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra đã bị tuyên án tù chung thân với tội danh vi phạm luật chống tham nhũng và lạm dụng quyền lực. Đây là án tù đầu tiên đối với một cựu thủ tướng. Ở Hàn Quốc, Tổng thống Park Geun Hye bị phế truất ngày 10/3/2017 sau cuộc hạch tội của Quốc hội. Ngày 04/6/2018, Tòa án Hàn Quốc tuyên phạt bà 24 năm tù giam và tịch thu hàng triệu USD vì nhận hối lộ và lạm dụng quyền lực. Ở Mỹ, ngày 07/11/2007, cựu Thống đốc bang lllinois George Ryan thụ án tù giam về tội tham nhũng. Trước đó, ngày 06/11/2007, Cảnh sát trưởng quận Cam Michael S. Carona và cựu Cảnh sát trưởng New York Bernard bị tố cáo tham nhũng. Ông Carona bị cáo buộc 7 tội danh, trong đó có tội danh tham nhũng và đồng lõa nhận tiền, quà hối lộ. Ngày 09/11/2007, Bernard Kerik, nguyên Cảnh sát trưởng cảnh sát New York cũng đã phải ra hầu tòa về tội tham nhũng. Ở Malaysia, ngày 27/6/2018, Cảnh sát công bố trị giá tài sản bị tịch thu vì tham nhũng của cựu Thủ tướng Najib Razak lên tới 273 triệu USD. Đây là vụ thu giữ tài sản do tham nhũng mà có lớn nhất trong lịch sử nước này… Theo kết quả khảo sát về tham nhũng năm 2016 của Tổ chức Minh bạch thế giới (Transparency international – T1) đối với 168 quốc gia cho thấy, trong số 100 quốc gia tham nhũng nhất trong các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), còn Nhật Bản có tên trong dánh sách 18 quốc gia phát triển có chỉ số tham nhũng cao nhất thế giới.

Từ những ví dụ trên cho thấy, tham nhũng, suy thoái đã, đang và vẫn còn tiếp tục diễn ra ở mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ, không phụ thuộc vào chế độ chính trị và trình độ phát triển. Tham nhũng, suy thoái là vấn nạn toàn cầu, các quốc gia, vùng lãnh thổ dù theo chế độ xã hội chủ nghĩa hay tư bản chủ nghĩa đều phải đối mặt với tệ nạn này, nguyên nhân dẫn đến tham nhũng, suy thoái không phải do chế độ chính trị hay do đảng phái náo nắm quyền lãnh đạo. Vì thế, luận điệu cho rằng ở Việt Nam, chế độ một đảng cầm quyền là nguyên nhân sinh ra tệ tham nhũng; do đảng cầm quyền độc đoán cai trị nên tình trạng tham nhũng xảy ra; tham nhũng là sản phẩm tất yếu của chế độ công hữu tư liệu sản xuất, chuyên chế độc đảng; tham nhũng là vấn đề thuộc bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam… là những giọng điệu xuyên tạc, bịa đặt trắng trợn.

3. Khẳng định thành công của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, suy thoái dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam xuất phát từ những lý do:

Thứ nhất, Tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng tổ chức ngày 25/6/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “công cuộc chống “giặc nội xâm” đang ở giai đoạn hết sức quan trọng, quyết liệt”, vì thế “Hội nghị lần này không chỉ có ý nghĩa động viên tinh thần, mà còn bàn các công việc thiết thực, cụ thể nhằm tạo bước chuyển biến mới mạnh mẽ hơn, hiệu quả cao hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng”. Chính những chuyển biến mới, mạnh mẽ hơn, hiệu quả cao hơn được tạo ra sau Hội nghị sẽ là động lực và đột phá mới cho cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, suy thoái ở nước ta trong thời gian tới.

Thứ hai, Bộ Chính trị đã ban hành một số quy định làm hành lang quản lý cán bộ, xử lý sai phạm, như: Quy định số 90-QĐ/TW ngày 04/8/2017 về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; Quy định số 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm. Đặc biệt, Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đã được ban hành với nhiều nội dung đổi mới quan trọng, có tính đột phá. Nghị quyết này không chỉ yêu cầu phải có phương pháp đánh giá cán bộ thật sự khách quan, chính xác, mà còn phải có cơ chế tạo động lực, đổi mới sáng tạo, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên qua thực tiễn có nhiều khó khăn, thách thức lớn. Đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự tha hóa quyền lực trong bộ máy công quyền cũng như suy thoái, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên để củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, suy thoái. Ngoài ra, Đảng ta còn có chủ trương xây dựng và hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền, thân quen, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ theo nguyên tắc mọi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế và quyền hạn phải được ràng buộc với trách nhiệm. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm khắc các tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước, lạm dụng, lợi dụng quyền lực để thực hiện hành vi sai trái trong công tác cán bộ hoặc tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền. Kiên quyết hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ, đồng thời xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân sai phạm, có hành vi tham nhũng trong công tác cán bộ.

Thứ ba, Nghị quyết số 04-NQ/TW về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đang có sức lan tỏa ngày càng mạnh mẽ không chỉ đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên mà với mọi tầng lớp nhân dân. Theo đó, công tác xây dựng Đảng được coi trọng hơn, ý thức toàn Đảng, toàn dân chăm lo xây dựng Đảng cao hơn. Đặc biệt, cùng với vai rò và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, suy thoái đã và đang phát huy ngày càng hiệu quả, thì người đứng đầu cũng đã thấy rõ trách nhiệm của mình trong cuộc đấu tranh này. Tất cả điều này đã làm cho vai trò, vị trí, uy tín của Đảng được nâng lên rõ rệt ở cả trong nước và trên trường quốc tế. Bên cạnh đó, Đảng đã có thêm kinh nghiệm để làm tốt hơn, đó là việc kết hợp giữa “xây” và “chống” theo định hướng “xây” là cơ bản, “chống” phải quyết liệt.

Thứ tư, chủ trương của Đảng, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng, suy thoái được bổ sung, hoàn thiện kịp thời theo hướng bám sát và phù hợp với thực tiễn tình hình tham nhũng, suy thoái. Thực tiễn cho thấy, văn kiện các kỳ đại hội Đảng thời kỳ đổi mới đều đề cập đến vấn đề phòng, chống tham nhũng, suy thoái và Đảng ta đã xác định tham nhũng là một trong bốn nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ. Đại hội X chỉ rõ: “Tích cực phòng ngừa và kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí là đòi hỏi bức xúc của xã hội, là quyết tâm chính trị của Đảng ta, nhằm xây dựng bộ máy lãnh đạo và quản lý trong sạch, vững mạnh, khắc phục một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ ta”. Nhận thức rõ tính chất nguy hại của tham nhũng, suy thoái, Hội nghị Trung ương 3 khóa X đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 21/8/2006 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Hội nghị Trung ương 5 khóa XI đã có kết luận số 21-KL/TW ngày 25/5/2012 yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đồng bộ mục tiêu, quan điểm và các giải pháp được nêu trong Nghị quyết Trung ương 3 khóa X, đồng thời xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để tạo chuyển biến rõ rệt đối với công tác phòng, chống tham nhũng; Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết Trung ương khóa 4 khóa XI về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Nhờ thực hiện tốt các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phòng, chống tham nhũng, suy thoái và xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn công tác phòng, chống tham nhũng, suy thoái đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện, tạo chuyển biến tích cực trên nhiều phương diện, với nhiều kết quả cụ thể, được dư luận quần chúng đồng tình, cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Các biện pháp phòng ngừa được triển khai đồng bộ, từng bước phát huy tác dụng. Nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng đã được phát hiện, xử lý nghiêm minh. Tham nhũng bước đầu đã được kiềm chế, góp phần giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế – xã hội. Thực tế đã chứng minh, quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, suy thoái của Đảng là quyết tâm chính trị, bởi đây là vấn đề quyết định sự tồn vong của đất nước. Vì thế, Luật Phòng, chống tham nhũng ra đời năm 2005, đến nay tuy mới 12 năm nhưng đã 3 lần được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, lần mới đây nhất là tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV. Việc làm này cho thấy quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, suy thoái.

Từ những vấn đề trên cho thấy, tham nhũng, suy thoái không chỉ là vấn nạn toàn cầu mang tính phổ biến, không chỉ có riêng ở một quốc gia, vùng lãnh thổ nào, không phụ thuộc vào chế độ chính trị và trình độ phát triển. Đây là cuộc đấu tranh lâu dài, thường xuyên, liên tục, phức tạp, không ít khó khăn, thách thức và cũng không dễ dàng giành được thắng lợi. Vì vậy, đòi hỏi mọi tổ chức và cá nhân là thành viên của hệ thống chính trị phải đề cao cảnh giác để có nhận thức đúng, đầy đủ không chỉ về tình trạng tham nhũng, suy thoái hiện đang tồn tại một cách khách quan trong hệ thống chính trị nước ta; mà còn về kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, suy thoái cũng như những hạn chế, khuyết điểm, tồn tại và nguyên nhân để chủ động có chủ trương, biện pháp đấu tranh phòng, chống, ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng này. Trong thời gian tới, khi cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, suy thoái ở nước ta càng được đẩy mạnh thì các thế lực thù địch, phản động sẽ tiếp tục gia tăng chống phá. Song dù khó khăn, gian khổ đến mấy cũng không thế lực nào có thể làm nhụt ý chí, quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, suy thoái của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Vấn đề quan trọng là, trong mọi tình huống, Đảng, Nhà nước và nhân dân phải luôn đề cao cảnh giác, nhận diện đúng âm mưu, thủ đoạn chống phá để từ đó có chủ trương, biện pháp đấu tranh kiên quyết, kịp thời./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *